Quay lại Dân trí
Dân Sinh

“Cà phê việc làm”- Sáng tạo và bổ ích cho doanh nghiệp cùng người lao động

(Dân sinh) - Đến với "Cà phê việc làm" người lao động (NLĐ) được tư vấn chính sách, pháp luật về lao động, việc làm và bảo hiểm thất nghiệp; tư vấn kỹ năng tìm việc làm đối với học sinh, sinh viên và người lao động; kết nối nhu cầu việc làm để các nhà tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp người lao động.

Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng Trung tâm dịch vụ việc làm Bến Tre đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo tiếng Nhật miễn phí cho người lao động để tạo nguồn lao động đưa đi làm việc tại thị trường Nhật Bản.

Bằng nhiều giải pháp, Trung tâm đã đưa các thông tin việc tìm người, người tìm việc, học nghề, phiên giao dịch việc làm và người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên các mạng xã hội như facebook, zalo và website thường xuyên và kịp thời.

Theo bà Nguyễn Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020 Trung tâm đã tư vấn được 22.900/25.000 lượt người tham dự, đạt 91,60% so với kế hoạch năm 2020. Ngoài ra, Trung tâm đã tiếp nhận thông tin tuyển dụng của 247 lượt của 168 doanh nghiệp, trong đó 124 doanh nghiệp trong tỉnh và 44 doanh nghiệp ngoài tỉnh. Tổng nhu cầu cần tuyển là 14.361 người, nữ 9.188 người; trong đó lao động phổ thông, công nhân kỹ thuật không bằng và sơ cấp 13.625 người, trung cấp trở lên 736 người. Nhu cầu cần tuyển của các doanh nghiệp trong tỉnh là 5.575 người, nữ 3.465 người.

Hơn lúc nào hết, Bến Tre đang rất cần một sân chơi nhằm kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp sao cho hiệu quả nhất. Vì vậy, mô hình "Cà phê việc làm" ra đời ngay thời điểm thị trường lao động cần  "hâm nóng" và tăng cường kết nối, giúp NLĐ sớm tìm được việc làm, nhất là lao động thất nghiệp.

Mô hình "Cà phê việc làm" nằm trong khuôn viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Khu cà phê việc làm được chia ra thành các khu vực: Giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn việc làm, cà phê việc làm. Tổng mức đầu tư xây dựng khu "Cà phê việc làm" khoảng 2,3 tỷ đồng, trong đó, Cục Việc làm thuộc Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ hơn 1,9 tỷ đồng, phần còn lại là đối ứng của địa phương từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp của Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Khi đến đây người lao động được tư vấn chính sách, pháp luật về lao động, việc làm và bảo hiểm thất nghiệp; tư vấn kỹ năng tìm việc làm đối với học sinh, sinh viên và người lao động; kết nối nhu cầu việc làm để các nhà tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp người lao động.

“Cà phê việc làm” điểm mới đầy sáng tạo và sân chơi bổ ích cho doanh nghiệp cùng người lao động  - Ảnh 4.

NLĐ được tư vấn chính sách, pháp luật về lao động, việc làm và bảo hiểm thất nghiệp; tư vấn kỹ năng tìm việc làm đối với học sinh, sinh viên và NLĐ; kết nối nhu cầu việc làm để các nhà tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp NLĐ

Ngoài ra, dự kiến, Trung tâm dịch vụ việc làm Bến Tre sẽ tổ chức các chuyên đề về học nghề, về hoạt động thực tế của doanh nghiệp tuyển dụng, về văn hóa, ẩm thực của một vài quốc gia mà người lao động có nhu cầu tìm hiểu khi có ý định đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Đình Hoàn Vũ - Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Hồng cho biết, "khi đến đây để tham gia tuyển dụng, tôi có cảm giác như ở một quán cà phê chứ không phải ở cơ quan nhà nước, khiến người sử dụng lao động và cả NLĐ đều thấy thoải mái trong cuộc phỏng vấn".

Theo bà Nguyễn Thị Thủy, "Cà phê việc làm" được tổ chức vào ngày cuối tuần. Chúng tôi mời những sinh viên năm cuối, đối tượng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đến để trao đổi nhu cầu học nghề, đi lao động nước ngoài và tư vấn các chính sách hỗ trợ cho NLĐ.

"Cà phê việc làm" được tổ chức từ 7 - 17 giờ vào thứ Sáu hàng tuần, phục vụ miễn phí cà phê, nước uống cho người đến tham gia. Đến đây, NLĐ được tư vấn chính sách, pháp luật về lao động, việc làm và bảo hiểm thất nghiệp; tư vấn kỹ năng tìm việc làm đối với học sinh, sinh viên và NLĐ; kết nối nhu cầu việc làm để các nhà tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp NLĐ. Bà Thủy cho biết.