Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện nội dung về GDNN thuộc 03 CTMTQG giai đoạn 2021-2025

(Dân sinh) - Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 17/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức các Hội nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện nội dung về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021 - 2025 tại tỉnh Thừa Thiên Huế (ngày 28/10/2022) và tỉnh Kiên Giang vừa qua.

: Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

: Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng cùng lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; các đại biểu đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Lãnh đạo và các Phòng Quản lý Giáo dục nghề nghiệp thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc 39 tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Để đảm bảo nguồn lực thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ về GDNN giai đoạn 2021 - 2025, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng, đề xuất các Tiểu dự án, nội dung thành phần về GDNN tại 03 CTMTQG và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định số: 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, Quyết định số: 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 và Quyết định số: 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022.

Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan chủ Chương trình, Dự án, Tiểu dự án, nội dung thành phần đã ban hành theo thẩm quyền đầy đủ các văn bản, quy định về cơ chế quản lý, điều hành, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí và hướng dẫn cách thức, phương thức, quy trình tổ chức thực hiện 03 CTMTQG, trong đó Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06/9/2022 về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung về GDNN và giải quyết việc làm cho người lao động tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 03 CTMTQG giai đoạn 2021 – 2025. Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao dự toán kinh phí cho các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện năm 2022.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai nội dung về GDNN thuộc 03 CTMTQG tại các địa phương còn gặp những khó khăn, vướng mắc như: Đối tượng, địa bàn trong triển khai thực hiện các Tiểu dự án, nội dung về GDNN tại 03 CTMTQG có tính chất tương tự; trên một địa bàn có thể thụ hưởng kinh phí từ nhiều CTMTQG khác nhau. Một số địa phương chưa nắm rõ về đối tượng, nội dung, hoạt động của các Tiểu dự án, nội dung thành phần nên việc xây dựng, đề xuất kế hoạch thực hiện hàng năm và cả giai đoạn còn chưa sát thực tế, bảo đảm đúng đối tượng, phạm vi, nội dung thực hiện. Một số nội dung mới sẽ được triển khai trong giai đoạn này, như: Xây dựng các mô hình đào tạo kết nối doanh nghiệp; Thí điểm đào tạo, đào tạo lại cho người lao động; Thí điểm xây dựng mô hình bảo đảm chất lượng cho các cơ sở GDNN; Điều tra, khảo sát, thống kê, dự báo yêu cầu về kỹ năng nghề trong tương lai... Việc bố trí, xác định tỷ lệ kinh phí cho các hoạt động của các Tiểu dự án, Nội dung thành phần trong lĩnh vực GDNN thuộc 03 CTMTQG. Việc thực hiện một số Dự án, Tiểu dự án từ nguồn vốn đầu tư công phải thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Đầu tư công nên cũng mất thời gian, bên cạnh đó, việc phân bổ vốn, ban hành văn bản hướng dẫn chậm, ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN phát biểu điều hành thảo luận tại Hội nghị

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN phát biểu điều hành thảo luận tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Tổng cục GDNN đã hướng dẫn một cách đầy đủ, toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 03 CTMTQG giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, lắng nghe, giải đáp những vướng mắc và cùng bàn về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn trong những tháng cuối năm 2022 và chuẩn bị các điều kiện thực hiện các nhiệm vụ ngay từ đầu năm 2023, bảo đảm đúng mục tiêu, chất lượng và hiệu quả.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đã nhấn mạnh mỗi CTMTQG trong giai đoạn 2021-2025 đều có vai trò, sư mệnh riêng, tuy nhiên lại có mối quan hệ hữu cơ rất chặt chẽ với nhau. Đối với các nội dung bất cập, vướng mắc trong triển khai thực hiện các nội dung về GDNN thuộc 03 CTMTQG mà các đại biểu đã nêu tại Hội nghị, đề nghị Tổng cục GDNN tổng hợp, giải đáp, tháo gỡ, làm rõ thấu đáo cụ thể từng vấn đề để tạo sự nhất quán trong triển khai thực hiện trên toàn quốc; những vấn đề vượt thẩm quyền đề nghị phối hợp với các cơ quan chủ Chương trình, cơ quan có liên quan để có hướng dẫn cụ thể với tinh thần nhanh nhất, khẩn trương nhất, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương và các cơ  sở GDNN.

Ngoài ra, đề nghị các địa phương, đơn vị tham gia triển khai các nội dung về GDNN trong 03 CTMTQG giai đoạn 2021-2025 tiếp tục nghiên cứu kỹ các quy định về đối tượng, phạm vi thực hiện, quy trình thực hiện… để triển khai hiệu quả các Chương trình với tinh thần chủ động, mạnh dạn và tích cực. Đồng thời, đề nghị các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tập trung, bám sát và phát huy vai trò của ngành lao động thương binh xã hội trong việc chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh trong triển khai, điều phối thực hiện các nội dung về GDNN thuộc 03 CTMTQG giai đoạn 2021-2025; tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các CTMTQG, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp, lãng phí; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện theo kế hoạch đã đề ra, chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp nhằm xử lý kịp thời đối với những vấn đề phát sinh trong thực hiện; thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện theo quy định.