Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Các mạng xã hội Việt Nam đang hoạt động thế nào?

(Dân sinh) - Thời điểm này cách đây một năm, các mạng xã hội (MXH) thuần Việt liên tiếp ra mắt người dùng trong nước với những cái tên: Hahalolo, Gapo, Lotus... Vậy đến nay, các MXH này hoạt động thế nào?

Hơn 33 triệu người dùng

Nhìn chung, trong năm 2019, người dùng tại Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng các MXH toàn cầu như Facebook, Youtube, Instagram hay mới đây nhất là Tik Tok với số lượng thành viên tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế, người dùng trong nước cũng bắt đầu coi trọng một số MXH thuần Việt.

Trong một báo cáo được công bố mới đây, tính đến cuối 4/2020, Việt Nam có hơn 600 MXH trong nước được cấp giấy phép hoạt động với tổng số lượng người dùng hơn 33 triệu. Nếu tính cả Zalo (chưa được cấp phép hoạt động MXH), số lượng có thể đạt tới 65 triệu người.

Các mạng xã hội Việt Nam đang hoạt động thế nào? - Ảnh 1.

Mạng xã hội du lịch Hahalolo

Ngoài những tên tuổi lâu đời như Nhaccuatui, Mocha... thì một số cái tên mới xuất hiện trong năm 2019 cũng bắt đầu có những bước phát triển nhanh chóng, khẳng định được chỗ đứng của riêng mình.

Các đây gần 1 năm, Hahalolo ra đời với định vị là MXH hội du lịch dành cho giới trẻ, kết hợp với dịch vụ du lịch trực tuyến. Ngay khi vừa xuất hiện, MXH này đã phải gồng mình hứng chịu những chỉ trích từ dư luận bởi những thông tin trái chiều. Trải qua một thời gian tiếp thu ý kiến và khắc phục những khuyết điểm, đến nay, Hahalolo đã có những bước phát triển đáng kể. Theo SimilarWeb - trang đo lường độc lập, trong tháng 3 và 4/2020, số lượng người dùng của MXH du lịch tăng nhanh chóng, đạt gần 450.000 người dùng thường xuyên.

Một tháng sau khi Hahalolo trình làng, Gapo cũng đánh dấu sự có mặt của mình bằng một buổi ra mắt gây sự chú ý với công bố nhận được khoản cam kết đầu tư 500 tỷ đồng. MXH này lấy tông màu chủ đạo là xanh lá và dành cho giới trẻ Việt. Gapo từng khẳng định đạt 2 triệu người dùng sau 2 tháng hoạt động. Tuy nhiên, theo SimilarWeb, trong tháng 3 và 4/2020, số thành viên truy cập MXH này dao động khoảng 220.000 người dùng thường xuyên.

Các mạng xã hội Việt Nam đang hoạt động thế nào? - Ảnh 2.

Mạng xã hội Gapo

Ra đời vào tháng 9/2019, Lotus được đánh giá khá cao với sự đầu tư mạnh về tài chính và công nghệ của tập đoàn VCCorp. Mạng xã hội này tạo được nhiều tiếng vang khi xuất hiện và đi theo hướng cung cấp nội dung chuyên nghiệp cho người dùng. Cũng theo SimilarWeb, trong tháng 3/2020, Lotus có 1,7 triệu người dùng thường xuyên nhưng bất ngờ giảm xuống còn hơn 530.000 người trong tháng 4 vừa qua.

Vào thời điểm các MXH này ra mắt, dù còn nhiều ý kiến hoài nghi về tương lai nhưng đến nay, các MXH Việt Nam đang khẳng định được vị trí nhất định của mình. Mặc dù vậy, mức độ ảnh hưởng và phổ biến của MXH trong nước vẫn được đánh giá là rất hạn chế so với các đế chế khác của thế giới.

Khuyến khích MXH trong nước phát triển

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Nghị định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Trong đó, có nhiều quy định mới liên quan tới các MXH, trang tin điện tử.

Các mạng xã hội Việt Nam đang hoạt động thế nào? - Ảnh 3.

Mạng xã hội Lotus

Theo Bộ TT&TT, khoảng 90% các MXH được cấp phép hoạt động hiện nay số lượng thành viên chỉ ở mức vài nghìn. Quy định áp dụng chung cho các MXH lớn nhỏ dẫn đến tình trạng các start-up bị quản lý quá chặt. Các quy định cũng chưa thể bao quát hết được các hành vi, dịch vụ đang được cung cấp trên nền tảng MXH như livestream, quảng cáo, thu phí và trả phí lượt xem... 

Trong dự thảo quy định mới, Bộ TT&TT sẽ không yêu cầu cấp phép với toàn bộ các trang mạng như trước đây. Thay vào đó, đơn vị phát triển chỉ cần thông báo với Bộ. Chỉ MXH có từ 10.000 người sử dụng thường xuyên hoặc 1 triệu người tương tác mỗi tháng trở lên mới phải xin giấy phép. Bộ sẽ gắn công cụ đo lường vào các trang MXH để giám sát.

Nghị định mới cũng đề ra những quy định cụ thể để xử lý tình trạng một số MXH lợi dụng giấy phép mạng xã hội để làm báo; yêu cầu đơn vị phát triển phải xin cấp phép với từng dịch vụ chuyên ngành như livestream, giáo dục, xem phim... Trong đó, những MXH được cấp phép, có tư cách pháp nhân trong nước mới có thể cung cấp dịch vụ livestream và thu phí.