Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Các sĩ tử lo lắng "chạy nước rút" ôn thi tốt nghiệp THPT

Chỉ còn 3 tháng nữa là các sĩ tử sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng. Vừa phải tập trung ôn tập, vừa phải suy nghĩ lựa chọn trường đại học phù hợp đã trở thành nỗi lo của nhiều sĩ tử.

Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 27/6 đến hết 30/6,  sớm hơn gần 2 tuần so với năm ngoái. Điều này khiến em Nguyễn Thùy Dương (Trường THPT Quỳnh Côi, Thái Bình) có chút lo lắng.

“Thực ra lịch thi sớm hơn năm trước không nhiều nhưng tâm lý của em cũng bị ảnh hưởng. Hiện tại em đang cố gắng đẩy nhanh tốc độ ôn tập vì em sợ thời gian trôi qua nhanh mà vẫn còn nhiều kiến thức chưa học”, Dương nói.

Lo lắng vì thi thử đề minh họa của Bộ GD-ĐT chỉ được hơn 7 điểm môn Toán trong khi mục tiêu của Việt Hoàng (Trường THPT Lý Tự Trọng , Nam Định) phải trên 8 điểm. Kỳ thi sắp đến gần, Hoàng quyết tâm ôn tập hơn. Ngoài học thêm trên trường, Hoàng còn đăng ký thêm các lớp học online để nâng cao kiến thức. “Dạo gần đây em bị mất ngủ vì áp lực thi cử”, Hoàng tâm sự.

Nhiều thông tin không chính xác trên mạng xã hội cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý và định hướng chọn ngành nghề cho các em học sinh. Bạn Hà Trang (Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, Thái Bình) chia sẻ: “Kỳ thi diễn ra sớm hơn nên ảnh hưởng khá nhiều đến lộ trình học và ôn tập của em, song việc nắm bắt thông tin để chọn ngành học cũng gặp nhiều khó khăn. Em thấy nhiều tiktoker phản ánh về các trường đại học trên mạng, bản thân em chưa có kinh nghiệm nên việc định hướng càng mông lung hơn.”

20190529_131104_450354_on-thi.max-1800x1800

Trong khi đó, nhiều sĩ tử khác lại cảm thấy khá thoải mái trước kỳ thi bởi mục tiêu là các đại học có đầu vào trung bình. Minh Phương (Trường THPT Kiến An, Hải Phòng) dự định đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Lao động - Xã hội với ngành Công tác xã hội. Em cho biết: “Trước Tết em đã chú tâm ôn tập. Hiện tại, em đã ôn tập được khoảng 80% lượng kiến thức cơ bản rồi. Hơn nữa, mục tiêu của em là các trường đại học có mức điểm trung bình, cạnh tranh không cao như các trường top”.

Theo cô Đinh Thanh Hải, giáo viên THPT Đông Triều  tại Quảng Ninh , tới ngày 27/6 còn hơn 3 tháng để ôn luyện. Vì vậy các em không nên quá lo lắng, áp lực trong quá trình ôn tập.

“Trong giai đoạn nước rút này đúng là nhiều học sinh đang băn khoăn trong việc lựa chọn trường sao cho phù hợp, Các bạn nên cân nhắc chọn lựa những trường vừa với lực học của mình, cân đối giữa điểm chuẩn của năm ngoái và năm nay để định hướng cho đúng đắn. Thay vì lo lắng, các em nên lập ra kế hoạch ôn thi cụ thể cho bản thân, luyện đề hiệu quả để không bị động khi thời gian thi đến gần. Bên cạnh đó cha mẹ cũng cần đồng hành cùng con trong thời gian đó, quan tâm, nhắc nhở con chứ đừng ép con học nhiều. Chỉ những hành động đó cũng khiến tâm lý của con cải thiện tích cực hơn”, cô Hải trao đổi.  

Lựa chọn trường đại học là sự lựa chọn khó khăn và quyết định trực tiếp đến tương lai của mỗi người. Trên thực tế nhiều học sinh không phân biệt được các ngành nghề mình lựa chọn, không tìm hiểu kỹ lưỡng dẫn đến chán nản, quyết định thi lại thậm chí là bỏ dở. Tỷ lệ hơn 5 - 10% sinh viên năm thứ nhất bỏ học vì chán nản, chọn nhầm trường mà các trường đại học thống kê là những con số “biết nói” chứng minh tầm quan trọng của lựa chọn ngành, trường đại học phù hợp với các sĩ tử trong giai đoạn này. Việc cần làm của các sĩ tử là sắp xếp thời gian ôn tập hiệu quả, không nên để quá nhiều những thông tin chưa được kiểm chứng làm ảnh hưởng tâm lý và lựa chọn của bản thân. Nhà trường và các bậc phụ huynh cần tạo điều kiện cho con em, không tạo áp lực, để các con lựa chọn trường học dựa theo khả năng và sở thích để kết quả đạt được tốt nhất.

 Khoảng thời gian cuối tháng 3, sau khi thi giữa học kỳ II, nhiều trường cấp 3 tổ chức kỳ thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh. Đây cũng là bước chạy đà cần thiết để các em rút kinh nghiệm, bổ sung kiến thức còn thiếu trước khi bước vào kỳ thi thật.

Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, nội dung thi tốt nghiệp năm nay nằm trong chương trình THPT, chủ yếu kiến thức ở lớp 12. Điểm mới của đề thi là sẽ tăng nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn học nhằm từng bước tiệm cận với tình hình đánh giá của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.