Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Các tỉnh miền Tây Nam Bộ vào cuộc kiểm tra việc nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa

Trước việc có nhiều cửa hàng xăng dầu tạm dừng hoạt động kinh doanh, các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã vào cuộc kiểm tra.

Cửa hàng xăng dầu tại tỉnh Tiền Giang tạm dừng hoạt động kinh doanh. Nguồn: TP

Cửa hàng xăng dầu tại tỉnh Tiền Giang tạm dừng hoạt động kinh doanh. Nguồn: TP

Nhiều cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

Theo ghi nhận của báo Tiền phong, tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang có 5 cửa hàng xăng, dầu (thuộc hệ thống PVoil) tạm ngưng hoạt động. Theo đại diện các cửa hàng xăng dầu này, lý do đóng cửa do hết xăng, nguồn cung không kịp thời.

Sau đó, PVoil gửi thông báo cho các đại lý với nội dung: “Do tàu xăng dầu không về kịp, kho An Giang ngưng cung cấp xăng 95 cho đến khi có thông báo mới, dầu Do và E5 vẫn cung cấp bình thường”.

Tại huyện Phú Tân có 5 trường hợp ngưng hoạt động. Lý do các cửa hàng đưa ra do lỗ chi phí, không có nhân viên phục vụ, sang nhượng cửa hàng…

Trong đó, một cửa hàng ở xã Phúc An ngưng hoạt động từ ngày 2/2. Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đã đề nghị UBND xã lập biên bản, sau đó mời chủ doanh nghiệp đến làm việc.

Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý thị trường An Giang, trên địa bàn có hơn 20 cây xăng tạm ngưng hoạt động. Cụ thể, huyện Thoại Sơn có 7 cửa hàng; huyện Phú Tân, huyện An Phú và huyện Châu Thành, mỗi huyện 5 cửa hàng; huyện Châu Phú 1 cửa hàng tạm ngưng kinh doanh. Trong khi đó, cửa hàng xăng dầu tại các địa phương khác như: Long Xuyên, Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn, Chợ Mới, Tân Châu (An Giang) vẫn hoạt động bình thường.

Cũng theo Tiền phong, mới đây, Công ty Cổ phần Thương mại hóa dầu Ressol (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) có văn bản gửi Sở Công thương TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Vĩnh Long đề nghị được tạm đóng cửa một số cửa hàng xăng dầu trực thuộc công ty.

Theo công văn của Công ty Cổ phần Thương mại hóa dầu Ressol, trong giai đoạn từ đầu tháng 1/2022 đến nay, tình hình kinh doanh xăng dầu đang gặp nhiều khó khăn do việc thiếu hụt trầm trọng nguồn cung xăng dầu, đặc biệt là giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Đại diện công ty này cho biết, hiện nay, nguồn cung xăng dầu liên tục bị đứt đoạn, công ty dù đã cố gắng mở rộng thị trường để tìm kiếm nguồn cung xăng dầu mới nhưng với việc khan hiếm hàng hóa, cùng với việc các thương nhân đầu mối chỉ cung cấp nhỏ giọt hoặc có thời điểm không tiến hành các hoạt động mua bán. Điều này dẫn đến việc công ty dù chấp nhận thiệt hại trong khoảng thời gian vừa qua nhưng vẫn không đủ hàng hóa để cung cấp cho các cửa hàng và các đại lý bán lẻ.

Các cửa hàng xăng dầu nhập hàng mở cửa kinh doanh trở lại. Nguồn: PLO

Các cửa hàng xăng dầu nhập hàng mở cửa kinh doanh trở lại. Nguồn: PLO

Đồng loạt kiểm tra

VOV điện tử dẫn nguồn tin lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang cho biết, đơn vị này vừa tiến hành kiểm tra, giám sát tổng cộng 433/597 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, quyết tâm không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Toàn tỉnh có 7 doanh nghiệp đầu mối, 6 tổng đại lý và 453 đại lý kinh doanh xăng dầu. Cục quản lý thị trường đã có văn bản chỉ đạo tất cả các Đội Quản lý thị trường trực thuộc quản lý chặt chẽ địa bàn, thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, giám sát các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm phải tổ chức kiểm tra đột xuất, xác minh làm rõ các nội dung, tình tiết liên quan và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm để tạo tính răn đe. Đến nay, hoạt động lĩnh vực xăng dầu trở lại bình thường.

Trước đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang xử phạt 1 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở thành phố Mỹ Tho 180 triệu đồng do kinh doanh xăng dầu kém chất lượng.

Tại tỉnh Vĩnh Long, sáng 9/2, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long cho biết, mấy ngày qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 16 cây xăng đóng cửa. Nguyên nhân đóng cửa là do hết xăng bán, một số cây xăng đóng cửa là do nhân viên xin nghỉ Tết hoặc ngưng để nâng cấp sửa chữa cây xăng. Qua Tết, đã có 5 cây xăng hoạt động trở lại, hiện vẫn còn 11 cây xăng đang tiếp tục nghỉ bán do hết xăng.

Ông Nguyễn Trung Kiên cho biết thêm, trước khi đóng cửa, các doanh nghiệp đều có đơn xin đóng cửa gửi sở Công Thương, đồng thời nêu lý do chính đáng. Mấy ngày sau Tết, Sở Công Thương Vĩnh Long đã thành lập đoàn kiểm tra tất cả 273 cây xăng trên địa bàn tỉnh nhưng không phát hiện trường hợp cây xăng nào vi phạm.

Cũng tại miền Tây Nam Bộ, theo nguồn tin của tờ Pháp luật TP HCM, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trong toàn tỉnh để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng, dầu.

Theo Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, những ngày vừa qua vẫn còn nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tự ý tạm ngừng kinh doanh không đúng với quy định. Từ thực tế đó, Sở này yêu cầu các thương nhân phân phối và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy định về kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, các thương nhân kinh doanh xăng dầu phải kiểm soát hoạt động của các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, ngừng, giảm thời gian bán hàng sai quy định.

Cạnh đó, Sở cũng yêu cầu các thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu lập danh sách các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối.

Trong đó, nêu rõ cửa hàng nào đang tạm ngưng hoạt động, thời gian và lý do tạm ngừng kinh doanh báo cáo về Sở trước ngày 10/2.Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng đã thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật và thời gian kinh doanh tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Thống kê từ ngày 2/2 (nhằm mùng 2 Tết) đến nay, đoàn ghi nhận một số trạm xăng dầu đóng cửa vì không có người trông coi, nhân viên xin nghỉ Tết, lỗ vốn do hoa hồng 0 đồng…