Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cần áp dụng chính sách thuế ngăn chặn, kiểm soát các sản phẩm tiêu dùng có hại cho sức khỏe

Ngày 25/5 tại Phú Quốc, Bộ TT&TT phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo Cung cấp thông tin cho báo chí về phòng chống tác hại của các sản phẩm tiêu dùng có hại cho sức khỏe. Theo các chuyên gia y tế và các cơ quan liên quan đã đưa ra những cảnh báo, đề xuất đối với sự cần thiết của việc phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các loại thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng), đồ uống có đường.

Tác hại khôn lường đến sức khỏe của thuốc lá và đồ uống có đường

Tại hội nghị, TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đưa ra cảnh báo, các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện nhiều và gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, thuốc lá điện tử gây tác hại đến giới trẻ, học sinh, sinh viên…

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đưa ra cảnh báo, các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện nhiều và gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đưa ra cảnh báo, các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện nhiều và gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng

Cảnh báo về tác hại khủng khiếp của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe, TS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, hiện có rất nhiều loại thuốc lá điện tử, liên tục thay đổi mẫu mã, cấu tạo khiến lượng nicotine vào cơ thể nhiều hơn. Nguy hiểm hơn, dung dịch sử dụng được quảng cáo là tinh dầu nhưng thực chất là hóa chất có hại, trong đó có cả các chất cấm dễ gây nghiện, gây ra tổn thương và các bệnh về phổi, gây dị ứng, ung thư… Thành phần hóa chất, ma túy của thuốc lá điện tử đa dạng và phức tạp hơn thuốc lá truyền thống tạo ra hàng loạt các căn bệnh mới tăng gánh nặng cho toàn xã hội. Điều khó khăn là nhiều loại ma túy trong thuốc lá điện tử chưa được phát hiện và kiểm soát được nên cần khẩn cấp cấm lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Trung Nguyên, trong thời gian qua, rất nhiều bệnh nhân là thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử phải nhập viện cấp cứu vì sốc tim, nhồi máu não, rối loạn ý thức, kích thích, co giật... Mới đây nhất, đầu tháng 5/2023, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận bệnh nhân trẻ tuổi bị tổn thương cơ, suy thận, có dấu hiệu động kinh, mất trí do sử dụng thuốc lá điện tử… Hiện nay bệnh nhân vẫn đang trong quá trình phục hồi.

Khẳng định những tác hại khôn lường của thuốc lá điện tử đến sức khoẻ, tạo gánh nặng lên kinh tế cho gia đình và xã hội, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho rằng, cần phải có những giải pháp đẩy mạnh phòng, chống tác hại thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ người dân, nhất là thanh thiếu niên, thế hệ trẻ tương lai của đất nước và giảm gánh nặng về kinh tế.

Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT phát biểu tại hội thảo

Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT phát biểu tại hội thảo

Đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cũng cho biết, trong những năm qua, với những nỗ lực của Bộ Y tế và các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Với kết quả này, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá; tiết kiệm chi phí do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015 - 2020 là 1.277 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là 1 trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và mức giảm ở trên vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Về tác hại của đồ uống có đường tới sức khỏe và xu hướng sử dụng ở Việt Nam, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết, tiêu thụ quá nhiều và thường xuyên đồ uống có đường sẽ gây nguy cơ thừa cân béo phì, nguy cơ đái tháo đường type 2, nguy cơ hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch, ảnh hưởng hệ xương răng, ảnh hưởng bệnh lý thận - tiết niệu, bệnh lý đường tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa, tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, sa sút trí tuệ… Hậu quả sử dụng đường quá nhiều dẫn đến gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam, năm 2015 có 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2040. PGS.TS Trương Tuyết Mai khuyến nghị, lượng đường tự do trong khẩu phần ăn của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng tiêu dùng có hại cho sức khỏe

Tại Hội nghị, bà Trần Thị Tuyết - Trưởng phòng Chính sách thuế Giá trị gia tăng và Tiêu thụ đặc biệt, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, trong dự thảo mới nhất về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe như: thuốc lá, rượu, bia.

Bà Trần Thị Tuyết - Trưởng phòng Chính sách thuế Giá trị gia tăng và Tiêu thụ đặc biệt, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính phát biểu tại hội thảo

Bà Trần Thị Tuyết - Trưởng phòng Chính sách thuế Giá trị gia tăng và Tiêu thụ đặc biệt, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính phát biểu tại hội thảo

Theo bà Trần Thị Tuyết, từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam đã 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, nên cân nhắc đưa các loại thuốc lá mới phát sinh trên thị trường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để dự phòng quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt, định hướng tiêu dùng, góp phần giảm việc tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe theo khuyến cáo của WHO… Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế thì mức thuế vẫn còn thấp (tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85%) và chỉ có tác động giảm tiêu thụ vào năm tăng thuế sau đó lại tăng trở lại. “Do vậy, để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, Bộ Tài chính xét thấy cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng: Bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng, cũng như theo định hướng của Đảng và Nhà nước”, bà Tuyết nhấn mạnh.

Đối với nước giải khát có đường, theo bà Trần Thị Tuyết, cần tính đến việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB theo định hướng của Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và theo kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025.

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm - Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng cần xem xét đến việc tăng thuế đối với cả sản phẩm có hại cho sức khỏe là rượu, bia, nước uống có đường một cách hợp lý.

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm - Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng cần xem xét đến việc tăng thuế đối với cả sản phẩm có hại cho sức khỏe là rượu, bia, nước uống có đường một cách hợp lý.

Theo ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm - Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, chúng ta nên tăng thuế thuốc lá thường xuyên để giá thuốc lá tăng nhanh hơn lạm phát và mức tăng thu nhập. Ngoài ra, nên tăng thuế thuốc lá để trong ngắn hạn đạt mục tiêu kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm. Đồng thời với mặt hàng thuốc lá, BS Nguyễn Tuấn Lâm cũng đề cập đến việc cần xem xét đến việc tăng thuế đối với cả sản phẩm có hại cho sức khỏe là rượu, bia, nước uống có đường một cách hợp lý. Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam cho thấy, việc tăng thuế đối với rượu, bia, nước ngọt không làm ảnh hưởng đến thu ngân sách, việc làm của người lao động mà vẫn đảm bảo hạn chế tiêu thụ.