Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt để phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em

(Dân sinh) - Việc trẻ em tham gia làm việc nhà phù hợp với độ tuổi là điều nên khuyến khích để tăng cường kỹ năng sống cho các em. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, trẻ em tham gia làm việc nhà trong thời gian dài, thậm chí có cả công việc nguy hiểm, độc hại gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, tinh thần, ảnh hưởng đến thời gian học tập, vui chơi của các em...

Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cần có sự tham gia tích cực, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng trong nước cũng như trên thế giới.

Cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt để phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em - Ảnh 1.

Trẻ em tham dự các tiểu phẩm nhận biết về các vấn đề liên quan đến lao động trẻ em.

Đưa ra giải pháp hạn chế lao động trẻ em, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, để công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ hiệu quả hơn, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về trẻ em, tăng cường xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em. Đồng thời tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục đặc biệt cho các bậc cha mẹ nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ trẻ em. Cùng với đó UBTƯ MTTQ Việt Nam nghiên cứu, xem xét, bổ sung nội dung bảo vệ trẻ em vào nội dung Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"….

Đồng tình với quan điểm hạn chế lao động trẻ em cần những giải pháp về hỗ trợ sinh kế cũng như có sự giám sát của Nhà nước, tổ chức, song TS Chang- Hee Lee - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho rằng, để hạn chế lao động trẻ em cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt từ Chính phủ. Nhất là khi Việt Nam đã được lựa chọn là một quốc gia tiên phong trong Liên minh 8.7 - một liên minh toàn cầu được lập ra để đảm bảo sẽ đạt được chỉ tiêu SDG (chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc). Là một quốc gia tiên phong và với sự hỗ trợ của ILO và các cơ quan khác, Việt Nam đã cam kết hành động nhanh hơn, nhiều hơn để đạt được chỉ tiêu 8.7, thử nghiệm các giải pháp mới để chấm dứt lao động trẻ em vào năm 2025.

Để làm như vậy, luật pháp và chính sách quốc gia liên quan đến lao động trẻ em đang được rà soát và sửa đổi để đảm bảo sự gắn kết và hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế. Các chiến lược nâng cao năng lực và nâng cao nhận thức đang được triển khai trên cả nước. Các chương trình đang được xây dựng và khởi xướng để hỗ trợ sinh kế cho các gia đình cần sự trợ giúp; đồng thời nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục và đào tạo nghề.