Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cần thẩm định lại

(Dân sinh) - Những ngày qua, cuộc "khẩu chiến" diễn ra giữa một bên là phụ huynh, giáo viên và một bên là người chủ biên SGK tiếng Việt lớp 1 cùng một số người đồng quan điểm.

Trong khi nhiều phụ huynh và giáo viên trực tiếp đến lớp cố gắng đưa ra rất nhiều "hạt sạn" trong SGK – bao gồm cả những "lỗi kỹ thuật" và những thứ mà họ cho là sai trái về quan điểm giáo dục, thì phía các nhà biên soạn sách cùng những người ủng hộ lại ra sức phản bác, cho rằng mọi việc đều thực hiện đúng… "quy trình"!

Số lượng ý kiến "kêu ca" về SGK tiếng Việt lớp 1 rất đông, hay nói như GS, TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, đó là ý kiến của "cả xã hội". Đây là điều đáng phải suy ngẫm bởi không phải vô cớ mà nhiều người buộc phải lên tiếng về nội dung cuốn sách trên.

Cần thẩm định lại - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Không ít ý kiến đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần thu hồi vì tài liệu này không đảm bảo chất lượng để có thể trở thành SGK dạy cho những học sinh mới vừa chập chững bước vào môi trường phổ thông – lứa tuổi có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình hình thành nhân cách, tích lũy kỹ năng sống cũng như bắt đầu thu nạp kho tàng kiến thức của nhân loại.

Liệu đề nghị trên có quá nặng nề?

Tại cuộc tiếp xúc với cử tri Hải Phòng mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp thu góp ý về SGK lớp 1, nếu vi phạm sẽ xử lý. " SGK và sách tham khảo đụng đến từng nhà, từng gia đình nên cần tiết kiệm cho người dân. Sách tham khảo, SGK phải phù hợp với văn hóa, trẻ em Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.

Có nghĩa, trong khi nhóm biên soạn đang cố gắng "thanh minh" thì câu chuyện đã được đẩy lên tới tầm Chính phủ. Điều đó cho thấy, đây không thể là một "chuyện nhỏ"! Vấn đề còn lại là phải xử lý thế nào.

Theo ý kiến nhiều giáo viên và phụ huynh, cơ quan có thẩm quyền cần sớm tiến hành thẩm định lại, gấp rút sửa chữa, điều chỉnh những nội dung có sai sót, chưa phù hợp. Đặc biệt, một số ý kiến cho rằng, cần thành lập một Hội đồng thẩm định mới để việc thẩm định sách được công tâm, khách quan và chính xác. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng gợi ý rằng, sách khi được nộp cho Hội đồng thẩm định quốc gia thì cũng cần công khai nội dung trên mạng để lấy ý kiến góp ý của giáo viên, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, cộng đồng, phụ huynh, "đông người nhặt thì chắc chắn sạn sẽ bớt đi".

Cũng theo nhiều phụ huynh và giáo viên, không riêng gì chương trình tiếng Việt mà kể cả chương trình Toán hay một số môn học khác được thiết kế theo chương trình mới cũng có nhiều điều chưa phù hợp với tâm sinh lý, khả năng nhận thức và tiếp thu của học sinh lớp 1. Vì vậy, nên chăng cần có một cuộc tổng rà soát đối với SGK cũng như chương trình dạy học lớp 1 cải cách. Nếu phát hiện ra những gì chưa hợp lý thì cần gấp rút sửa đổi, cố gắng hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của việc sai sót đối với học sinh.

Những gì đang diễn ra là bài học sâu sắc đối với những người chịu trách nhiệm biên soạn SGK. Điều cần thiết là phải đánh giá lại năng lực của đội ngũ viết SGK. Nếu xác định chưa đảm bảo thì cần mạnh dạn không tiếp tục cho viết SGK lớp 2 và các lớp khác.