Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cần Thơ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người khuyết tật

Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR với hình thức mẫu gộp miễn phí cho tất cả người khuyết tật được tiêm vaccine phòng COVID-19 trước khi vào bệnh viện.

Cần Thơ: Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người khuyết tật - Ảnh 1.

Hơn 160 người khuyết tật được Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ tiêm vaccine phòng COVID-19 an toàn. (Ảnh: Báo Công an nhân dân).

Thông tin trên báo Công an nhân dân, ngày 9/9, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, vừa tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hơn 160 người khuyết tật.

Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người khuyết tật thực hiện theo chủ trương của Chính phủ ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng chính sách xã hội; hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đơn vị.

Theo đó, hơn 160 người tiêm vaccine được sàng lọc cẩn thận, với sự đồng thuận của người tiêm, theo dõi an toàn 30 phút sau tiêm và tiếp tục theo dõi tại nhà qua hình thức tư vấn từ xa.

Để đảm bảo an toàn cho người được tiêm ngừa theo nguyên tắc phòng, chống dịch, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR với hình thức mẫu gộp miễn phí cho tất cả người khuyết tật được tiêm trước khi vào bệnh viện.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, báo Nhân dân cũng cho biết, ngày 9/9, Sở Y tế TP Cần Thơ đã đồng loạt tổ chức chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm toàn dân trên địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách.

Trong đó, 4 quận, huyện thuộc nhóm nguy cơ rất cao gồm: Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng, Thốt Nốt tổ chức lấy mẫu xét nghiệm (mẫu đơn kháng nguyên nhanh hoặc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình) cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần). 5 quận, huyện còn lại thuộc nhóm nguy cơ gồm: Ô Môn, Vĩnh Thạnh, Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần).

Trong chiến dịch lần này, những nơi có điều kiện, ngành y tế, chính quyền các cấp tổ chức các tổ lưu động lấy mẫu tại từng hộ gia đình nhằm hạn chế tập trung đông người và không để sót người dân được lấy mẫu xét nghiệm. 

Thành phố Cần Thơ đã bổ sung 2 xe xét nghiệm lưu động PCR, công suất 2.000 mẫu/xe, nâng tổng công suất xét nghiệm PCR toàn thành phố lên hơn 7.000 mẫu/ngày để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, sớm tách F0 ra khỏi cộng đồng.