Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chủ nhà trọ cho thuê lao đao vì dịch Covid-19

Không chỉ mặt bằng bán lẻ gặp khó khăn vì dịch Covid-19, chủ dãy nhà trọ cũng “mất ăn mất ngủ” vì khách thuê trả phòng, số lượng phòng trống liên tục tăng lên trong mùa dịch.

Theo ghi nhận, không chỉ những dãy nhà trọ quy mô lớn (trên dưới 100 phòng) đau đầu vì khách thuê trả phòng mà những nhà trọ quy mô nhỏ (vài chục phòng) cũng chật vật trong việc tìm khách thuê.

Việc sinh viên nghỉ học dài ngày cộng với nhiều công nhân, người lao động nghỉ việc vì dịch Covid-19 đã khiến chủ nhà trọ cho thuê như “ngồi trên đống lửa”.

Kinh doanh nhà trọ 5 năm nay tại Q.Thủ Đức (Tp.HCM), Chị Hoàng Thị H cho hay, chưa khi nào thấy tình trạng phòng trống nhiều như thời điểm này. Sinh viên về quê trả phòng, công nhân, nhân viên làm việc tại các quán ăn, khu công nghiệp cũng trả phòng về quê.

Chị H có 18 phòng cho thuê thì hiện có đến 11 phòng trống. Nếu trước đây, sau khi khách trả phòng thì ít ngày là có khách thuê mới thì hiện tại chị chào thuê nửa tháng nay cũng không có khách thuê.

Khi được hỏi, chị có giảm giá thuê trọ trong dịch bệnh, chị H cho biết, tình hình này, có thể khách thuê sau vô thuê, nếu thiện chí sẽ giảm giá chút đỉnh, khoảng từ 500-700 ngàn đồng/phòng/tháng; còn đối với khách thuê cũ sẽ giữ nguyên giá thuê, nếu trường hợp nào khó khăn quá sẽ giãn việc thanh toán tiền phòng ra. Hiện tại chị chưa có kế hoạch giảm giá phòng cho khách thuê cũ, vì theo chị H, thực tế phòng trọ của chị cho thuê giá cũng đã khá mềm (2.5 triệu đồng/tháng).

Chủ nhà trọ cho thuê lao đao vì dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Nhiều chủ nhà trọ cũng như đang ngồi trên đống lửa vì dịch Covid-19

Tiếp xúc với chủ chủ dãy trọ (3 dãy gần nhau) với 60 phòng cho thuê tại Q.9 được biết, hiện chủ trọ này đã quyết định giảm 20% giá thuê phòng cho khách thuê. Một phòng trọ giá 2 triệu đồng/tháng, tức khách thuê được giảm 400 ngàn đồng/phòng/tháng, áp dụng với cả khách thuê cũ và mới trong giai đoạn dịch Covid-9. Tuy vậy, dù đã giảm giá nhưng theo chủ nhà trọ này, khoảng 2 tuần nay đã có khoảng 10 phòng bị trả lại, 4 phòng trống trước đó cũng chưa có khách mới vào thuê. Tức, hiện tại chủ trọ này có 14 phòng trống do khách thuê nghỉ việc, trả phòng về quê.

Theo ghi nhận, bên cạnh các chủ nhà trọ có sẵn đất, xây nhà trọ cho thuê thì có khá nhiều NĐT thuê dãy phòng trọ hoặc thuê khu đất xây nhà trọ để cho thuê, với việc “rớt khách” như hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến dòng vốn/doanh thu hàng tháng. Thậm chí, có những chủ dãy trọ vừa xây xong, đang chuẩn bị rao thuê thì “dính” mùa dịch nên đành ngưng lại, không ít trong số đó tiền đầu tư vào dãy trọ đi vay ngân hàng.

Anh Khanh, hiện vừa hoàn thành xong 2 dãy nhà trọ tại Q.8, trước đó anh đã có 2 dãy trọ cho thuê khoảng 1 năm nay tại Q.9. Đúng lúc công trình hoàn thành thì vô mùa dịch nên lượng khách thuê mới thưa thớt. Theo anh Khanh, khi công trình xây gần xong có nhiều khách thuê đến hỏi, 1 số đặt giữ chỗ rồi nhưng hiện những khách này cũng không thấy quay lại. Tình hình này thì phải cầm chừng đến lúc hết dịch mới tính đến chuyện lấp đầy. Anh Khanh tiết lộ, đầu tư vào dãy nhà trọ 28 phòng này, anh có vay ngân hàng gần 1 nửa số tiền. Nếu tình hình này diễn ra dài thì khá khó khăn, tiền lãi vẫn phải trả hàng tháng.

Theo khảo sát giá thuê phòng trọ trên địa bàn Q.9, Q.Thủ Đức đã có hiện tượng giảm nhẹ từ 10-15% để giữ chân khách thuê. Ở một số khu vực gần khu công nghiệp, trường học có hiện tượng chủ nhà trọ giảm giá đến 25%/phòng theo tháng. Tuy vậy, tỉ lệ lấp đầy theo các chủ nhà trọ đã giảm khoảng 20-30% so với cùng kì năm ngoái.

Với những nhà trọ dạng nhà nguyên căn cho thuê thì có chủ nhà hỗ trợ giảm giá đến 40%. Vì đa số khách thuê nhà nguyên căn vừa ở vừa kinh doanh, với dịch bệnh như hiện nay thì việc kinh doanh giảm sút, nếu không hỗ trợ giá thuê nhà thì có thể khách sẽ trả mặt bằng. Vì thế, để giữ chân khách thuê nhiều chủ thuê nhà nguyên căn giảm giá sâu, hoặc hỗ trợ miễn phí 1 tháng thuê nhà.

Tuy vậy, theo các chủ nhà trọ, việc giảm giá thuê cũng chỉ là giải pháp trong ngắn hạn, nếu dịch bệnh kéo dài thì bản thân rất khốn đốn, vì thu không đủ bù chi vào dòng vốn đầu tư, chưa kể lãi suất ngân hàng hàng tháng (nếu vay). Đối với các chủ dãy trọ quy mô lớn, từ 100-200 phòng cho thuê, nếu lượng khách thuê liên tục giảm, phòng trống nhiều kéo dài có thể sẽ khiến họ ôm nợ.