Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng trực tiếp kiểm tra hiện trường vụ phá rừng phòng hộ

Ngày 21/5, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã dẫn đầu đoàn cán bộ trực tiếp kiểm tra hiện trường vụ phá rừng phòng hộ tại tiểu khu 144B, yêu cầu ngành công an khởi tố vụ án, đồng thời lập chuyên án điều tra, truy tìm thủ phạm để xử lý nghiêm.

Những gốc cây thông tại hiện trường

Những gốc cây thông tại hiện trường

Trước đó, ngày 19/5, tại hiện trường vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại khoảnh 15, tiểu khu 144B, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ông Trần Văn Hiệp cho rằng: “Không loại trừ những kẻ phá rừng thách thức pháp luật và đối đầu với chính quyền. Ở vị trí này, việc phá rừng để tổ chức sản xuất rất là khó. Theo dấu vết ở hiện trường thì hành vi phá rừng không phải mới xảy ra, bởi có những cây đã bị khoan lỗ, chặt gốc đổ hóa chất từ nhiều tháng trước”.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, với kỹ thuật cắt cây, hạ cây như thế này, nhiều khả năng băng nhóm chuyên nghiệp đã phá rừng. Quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng là điều tra làm rõ, xử lý nghiêm để lấy đó làm bài học răn đe, đồng thời đây cũng là bài học kinh nghiệm cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng khi đi tuần tra, kiểm soát.

Ngay tại hiện trường Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu ngành công an khởi tố vụ án, đồng thời lập chuyên án điều tra, truy tìm thủ phạm để xử lý thích đáng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ông Trần Văn Hiệp (Ngoài cùng bên trái) tại hiện trường nơi rừng bị phá

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ông Trần Văn Hiệp (Ngoài cùng bên trái) tại hiện trường nơi rừng bị phá

Đến nay, các cơ quan chức năng đã đến khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng xảy ra tại khoảnh 15, TK144B, lâm phần do Ban quản lý rừng Lâm Viên quản lý. Bước đầu, cơ quan chuyên môn xác định, trên diện tích gần 2ha có trên 300 cây thông 3 lá bị cưa hạ và hơn 100 cây khác bị đầu độc bằng hình thức khoan lỗ trên thân cây rồi đổ hóa chất cho thông chết dần.

Đây là vụ tàn phá rừng phòng hộ lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP.Đà Lạt. Hành vi triệt hạ cây rừng được tiến hành trong nhiều ngày bởi bên cạnh những vạt thông lá đã úa vàng do bị đầu độc, cưa hạ khá lâu, là những vạt lá vẫn còn xanh, chứng tỏ mới bị triệt hạ vài ngày trước.

Để phá được khu vực rừng rộng lớn thế này, các đối tượng phải mất nhiều ngày với sự hỗ trợ của thiết bị máy móc. Các đối tượng phá rừng rất chuyên nghiệp khi dùng cưa điện ít gây tiếng ồn và chỉ với 2 lát cắt là những cây có đường kính gốc lên tới 60cm đã ngã đổ.