Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chú trọng phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, liên thông

Đó là vấn đề được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh tại Hội nghị Triển khai công tác năm 2022 của Cục Việc làm được tổ chức sáng 18/1 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến…

Tại Hội nghị, đánh giá những kết quả đạt được trong năm 2021, ông Vũ Trọng Bình- Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, Cục đã đạt được nhiều tích kết quả tích cực

Trong công tác tham mưu, Cục đã giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về việc làm trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Cục đã chủ động nắm thông tin, tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19, từ đó tham mưu, đề xuất và hướng dẫn triển khai thực  hiện các gói an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ các đối tượng lao động gặp khó khăn nhất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách, chương trình, đảm bảo yêu cầu về tiến độ và chất lượng, từng bước hoàn thiện thể chế thị trường lao động. Năm 2021 là năm Cục tham mưu ban hành nhiều văn bản nhất trong 5 năm qua.

Cục cũng tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả các chính sách về hỗ trợ tín dụng tạo việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, kết nối cung cầu lao động, góp phần hỗ trợ thu nhập, đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là nhóm lao động tự do, lao động nông thôn, người thất nghiệp...

 Bước đầu rà soát, nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, quản lý lao động, BHTN.

Phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, liên thông, kết nối chặt chẽ cung cầu , góp phần nâng cao năng suất lao động  và năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, liên thông, kết nối chặt chẽ cung cầu , góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao và biểu dương các kết quả mà Cục Việc làm đã đạt được trong năm 2021.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng,  năm 2021 là năm đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hàng chục triệu người lao động, người sử dụng lao động và nhân dân cả nước. Chính vì thế, việc hỗ trợ người lao động người sử dụng lao động được đặt lên hàng đầu. Năm 2021 chúng ta thành công ở chỗ đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid ảnh hưởng nặng nề cả về tính mạng, sản xuất, kinh tế. Đó là thành tựu quan trọng của ngành LĐ-TB&XH, trong đó Cục Việc làm.

Về xây dựng văn bản qui phạm pháp luật, Cục Việc làm đã hoàn thành cơ bản các chương trình, kế hoạch đề ra với một khối lượng lớn công việc; đã chủ động tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp nhằm phục hồi thị trường lao động, giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid 19, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có những chính sách chưa từng có tiền lệ với những qui trình, thủ tục phức tạp.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, năm 2021 Cục vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Các chính sách hỗ trợ mang tính ngắn hạn, việc tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách còn bị động so với diễn biến dịch; việc đánh giá tác động chính sách còn hạn chế, chưa lường hết tác động của đại dịch. Công tác quản lý lao động, bao gồm cả lao động Việt Nam và lao động nước ngoài còn bất cập, thiếu cơ sở dữ liệu điện tử trong quản lý lao động và nắm thông tin biến động việc làm; Một số tồn tại, hạn chế về quản lý nhà nước trong lĩnh vực việc làm chưa được khắc phục, xử lý triệt để như tình trạng nợ đọng BHTN kéo dài, trục lợi BHTN, công tác phân tích, dự báo thị trường lao động  còn yếu, hoạt động giao dịch việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm chưa có tính hệ thống, thiếu sự kết nối.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Thứ trưởng Lê Văn Thanh yêu cầu Cục Việc làm cần bám sát những chỉ đạo của Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022 của Ngành LĐ-TB&XH để triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của Cục, trong đó cần chú trọng phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, liên thông, kết nối chặt chẽ cung cầu để đảm bảo huy động và sử dụng hết mọi nguồn lực, dịch chuyển lao động, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động  và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần nâng cao năng suất lao động  và năng lực cạnh tranh của quốc gia.

“Trong 5 trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Bộ đều có liên quan đến Cục Việc làm, chính vì vậy Cục phải nghiên cứu kỹ để triển khai với sự bám sát phương châm hành động: Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới phát triển theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19’-Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Về xây dựng thể chế, năm 2022, Cục cần tập trung hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Việc để trình cấp có thẩm quyền vào quý 4 năm 2022, chú ý đảm đảo tiến độ và chất lượng văn bản; Tham mưu xây dựng Nghị quyết 43 về phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong đó có lĩnh vực lao động, việc làm; đề xuất cơ chế tài chính để triển khai Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động...

Tập trung phát triển thị trường lao đọng, kết nối chặt chẽ giữa các Trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp dịch vụ việc làm. Đặc biệt, cần sớm xây dựng kế hoạch, lộ trình phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu về cung cầu lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các lĩnh vực về lao động, việc làm; Cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng, dễ hiểu, dễ làm để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động…