Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cơ cấu giữa các ngành và nội ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực

(Dân sinh) - Trình bày báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021 – 2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Cơ cấu giữa các ngành và nội ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Các trọng tâm cơ cấu lại về đầu tư công, hệ thống các tổ chức tín dụng, hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được chú trọng. Các quy định pháp luật liên quan được rà soát, hoàn thiện. Vốn đầu tư công được tập trung cho những dự án cấp bách, trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa cao.

Cơ cấu giữa các ngành và nội ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực - Ảnh 1.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%.

Giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt; vốn đầu tư từ NSNN thực hiện 9 tháng năm 2020 đạt gần 60%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%. Việc sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn thực chất hơn ; hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của nhiều DNNN được nâng lên.

Cơ cấu giữa các ngành và nội ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Tỷ trọng ngành khai khoáng giảm, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh. Tỷ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020.

Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ. Nhiều nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm với công nghệ hiện đại đi vào hoạt động.Kinh tế hợp tác và doanh nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh. Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, nông nghiệp khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Sản xuất lúa gạo được mùa, được giá, đời sống người nông dân được cải thiện. An ninh lương thực được bảo đảm. Năm 2020 xuất khẩu nông sản ước đạt 41 tỷ USD.

Nhiều ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, hàm lượng khoa học công nghệ cao như công nghệ thông tin, truyền thông, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng... phát triển nhanh. Trong đó một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin có bước tiến vượt bậc. Ngành du lịch phát triển mạnh, khách quốc tế tăng bình quân gần 30%/năm, năm 2019 đạt 18 triệu lượt, tăng trên 10 triệu lượt so với năm 2015; năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ sau dịch.

Phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển, đô thị, xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến. Khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng, khu vực. Kinh tế biển được chú trọng phát triển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Hệ thống đô thị tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn nhiều bình quân chung cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 40%, vượt chỉ tiêu đề ra. Xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm. Đến cuối năm 2020 có khoảng 63% xã đạt chuẩn, vượt xa mục tiêu đề ra (50%). Nhiều địa phương đã nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.