Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cơ quan điều tra mời một số lãnh đạo của Khánh Hòa lên 'làm việc'

Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Khánh Hòa đang chờ kỷ luật đã được mời lên cơ quan Công an tỉnh để làm việc với cán bộ điều tra của Bộ Công an và mỗi ông phải làm việc với cán bộ C03 một ngày.

Báo Người đô thị đưa tin, theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vào ngày 30/9/2019, về kết luận kỳ họp 39, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật gồm các ông Lê Đức Vinh - Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng và chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; ông Đào Công Thiên - Tỉnh ủy viên, ủy viên Ban Cán sự đảng và phó chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Chiến Thắng - nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, bí thư Ban Cán sự đảng và nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa (TVTU; hai nhiệm kỳ, từ năm 2010 đến nay) và Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh (hai nhiệm kỳ, kể từ năm 2011 đến nay).

Nguyên nhân đề nghị kỷ luật, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vì các cơ quan nêu trên đã vi phạm và "để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng, đấu thầu, đầu tư, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính, thuế…".

Khánh Hòa: Các lãnh đạo tỉnh chờ kỷ luật lần lượt bị Cơ quan điều tra mời 'làm việc' - Ảnh 1.

Dự án Vòng xoay Ngọc Hội (TP. Nha Trang) đang được triển khai theo hình BT giữa UBND tỉnh Khánh Hòa và Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn. (ảnh: Báo Giao thông).

Những vi phạm của các cơ quan Ban Thường vụ tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa và các cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của tỉnh đã nêu, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là đã "gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách nhà nước" (theo một nguồn tin đã công bố, tổng giá trị gây thiệt hại ước tính ban đầu khoảng hơn 16.550 tỷ đồng).

Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đang chờ kỷ luật kể trên, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, có những vi phạm như sau: hai ông Lê Đức Vinh và Nguyễn Chiến Thắng, ngoài việc phải "cùng chịu trách nhiệm" về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ tỉnh ủy, hai ông này còn phải "chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh".

Còn ông Đào Công Thiên thì phải cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và phải chịu "trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công" - theo kết luận đã nêu.

Cũng theo nguồn tin trên, ngoài các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đã bị mời làm việc, C03 Bộ Công an cũng đã "gởi giấy mời hơn mười mấy ông nữa phải ra Hà Nội làm việc với cơ quan điều tra của Bộ Công an trong thời gian tới. Đó là những cán bộ của tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan đến việc đề xuất, tham mưu ký tá các dự án sai phạm của tỉnh".

Hiện nay, có giám đốc sở của tỉnh Khánh Hòa đã ra Hà Nội để làm việc theo yêu cầu của C03 BCA.

Một trong rất nhiều dự án vi phạm tại Khánh Hòa mà các lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, đơn vị liên quan đang bị yêu cầu phải giải trình, làm rõ là dự án BT di dời Trường Chính trị tỉnh vào khu Đồng Bò (tại xã Phước Đồng, ngoại thành Nha Trang) để lấy khu "đất vàng" của trường ngay trung tâm thành phố và bên biển Nha Trang giao cho doanh nghiệp xây dự án kinh doanh thương mại, khách sạn và chung cư.

Trước đó, thông tin trên báo điện tử VOV.vn, ông Trần Sơn Hải cho biết, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa từ năm 2011 và nghỉ hưu từ ngày 1/6/2019. Sở dĩ ông có liên quan đến kết luận vì đã ký các giấy chứng nhận đầu tư.

"Tôi sẽ chấp hành kết luận của Ủy ban Kiểm tra, sẽ tiến hành kiểm điểm, báo cáo giải trình, trách nhiệm từng cá nhân tới đâu sẽ nhận tới đó. Đầu tư có nhiều bước, nhiều đoạn, liên quan trách nhiệm của mình, ví như được phân công ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, việc theo dõi thực hiện giấy chứng nhận đầu tư như thế nào lại do một người khác", ông Hải phân trần.

Ông Phạm Văn Chi, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, mấy năm gần đây, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã giao nhiều khu đất vàng ở trung tâm thành phố cho các doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư, dự án xây dựng - chuyển giao. Thế nhưng nhiều dự án trong số này đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật, không được đấu thầu, đấu giá công khai làm thất thoát ngân sách Nhà nước.

Việc thực hiện các dự án xây dựng chuyển giao - BT cũng có nhiều sai phạm, như việc định giá, thời điểm giao đất. Các vi phạm lớn diễn ra gần 2 nhiệm kỳ nên việc khắc phục sẽ mất nhiều thời gian và gặp không ít khó khăn. Theo ông Phạm Văn Chi, quan trọng nhất hiện nay là phải thu hồi lại tài sản của nhà nước bị thất thoát.

"Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đáp ứng được sự bức xúc của cán bộ, nhân dân. Bằng mọi biện pháp để thu hồi tài sản bị thất thoát, phù hợp với địa phương, phù hợp với nguyện vọng nhân dân dù chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian vì rất nhiều vụ việc phải khắc phục", ông Chi chia sẻ.