Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Coi chừng "lợi bất cập hại"

(Dân sinh) - Thông tư số 32 ban hành điều lệ trường THCS, THPT cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp phục vụ việc học tập nhưng phải được giáo viên đồng ý. Nhiều người cho rằng đó là sự tiến bộ nhưng không ít người quan ngại, lo lắng.

Điện thoại thông minh là sản phẩm mang tính đột phá, có thể sử dụng để phục vụ rất nhiều mục đích khác nhau, bao gồm chức năng truy cập internet một cách dễ dàng. Trong khi đó, internet đang là nơi lưu trữ hầu hết thông tin, kiến thức. Vì vậy, việc sử dụng công nghệ để phục vụ cho việc học của học sinh quả là "hợp thời".

Nhưng theo ý kiến của nhiều giáo viên và phụ huynh, việc sử dụng công nghệ để dạy - học không hoàn toàn đồng nghĩa với việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh trên lớp. Bởi có lẽ hầu hết mọi người đều biết rõ trong thực tế, đại đa số học sinh hiện nay dành phần lớn thời gian sử dụng điện thoại để làm gì. Nhận định một cách hoàn toàn không thành kiến rằng, phần lớn thời gian sử dụng điện thoại của học sinh (và cả sinh viên) là để phục vụ nhu cầu giải trí – không loại trừ những hình thức giải trí vô bổ, thậm chí là độc hại.

Tình trạng "nghiện" điện thoại là có thật và rất phổ biến trong giới học sinh – sinh viên hiện nay. Nhiều phụ huynh than phiền rằng, ngay cả khi cấm con sử dụng điện thoại, đã… giấu kỹ thì nhiều trẻ vẫn tìm cách "lấy trộm" điện thoại, "đánh cắp" mật khẩu để chơi game, tán gẫu với bạn bè, hay thậm chí là xem phim "đen". Không ít trẻ khi "trộm" được điện thoại đã "chơi" suốt ngày đêm, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tâm sinh lý.

Coi chừng "lợi bất cập hại" - Ảnh 1.

Công nghệ là thành tựu vĩ đại của con người nhưng tính hai mặt của nó thì không thể phủ nhận.

Ở chiều ngược lại, số trẻ sử dụng điện thoại để học tập thực sự là rất hiếm hoi.

Vậy, khi cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trên lớp thì giáo viên quản lý kiểu gì? Một viễn cảnh đã được nhiều người chỉ ra là trong giờ học, giáo viên giảng bài thì cứ giảng, còn học sinh cứ cắm mặt vào điện thoại. Làm sao giáo viên có thể biết học sinh nào dùng điện thoại để học, em nào đang chơi?

Một trong những nguyên tắc quan trọng trong dạy – học trên lớp là giáo viên và học sinh phải thường xuyên có sự tương tác qua lại. Một khi có sự chen vào của "kẻ thứ 3" – chiếc điện thoại thì sự tương tác ấy liệu có còn tồn tại? Lớp học có còn tồn tại theo đúng nghĩa, đúng chức năng hay sẽ trở thành một "đấu trường game" mà ở đó phần lớn học sinh sẽ tham gia một cách… "hợp pháp"?

Coi chừng "lợi bất cập hại" - Ảnh 2.

Lo lắng cho việc học, cho tương lai của con cái mình - sự lo lắng chính đáng và có cơ sở.

Có lập luận rằng, việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trên lớp sẽ giúp tận dụng được lợi thế của công nghệ thông tin vào quá trình dạy học. Ở đó, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh cách tìm kiếm, sàng lọc kiến thức, đánh giá, phân tích, lý giải kiến thức mà học sinh tìm được trên mạng, từ đó kích thích, khuyến khích học sinh sáng tạo… Quả thực, nếu được vậy thì quá… lý tưởng. Nhưng đối chiếu với thực tế thì điều đó là ảo tưởng!

Công nghệ là thành tựu vĩ đại của con người nhưng tính hai mặt của nó thì không thể phủ nhận. Nếu lạm dụng, sử dụng một cách thiếu kiểm soát, trong những môi trường không phù hợp thì tác hại của nó vô cùng lớn. Điều đó đã được thực tế chứng minh. Vì vậy, hầu hết ý kiến không đồng tình của đại đa số phụ huynh (qua khảo sát trên báo chí) đối với việc "thả cửa" cho điện thoại thông minh vào môi trường học đường là điều dễ hiểu. Bởi họ lo lắng cho việc học, cho tương lai của con cái mình - sự lo lắng chính đáng và có cơ sở.