Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cứu sống hai mẹ con thai phụ bị nhau cài răng lược cực nguy hiểm

(Dân sinh) - Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện phẫu thuật thành công cho một sản phụ bị nhau cài răng lược cực nguy hiểm.

Đây là trường hợp nặng, sản phụ có chỉ định mổ bắt con và cắt tử cung nhưng với nguy cơ chảy máu nhiều và có thể bị tổn thương cơ quan lân cận trong lúc mổ. Các bác sĩ Khoa Phụ sản đánh giá đây là ca bệnh khó, nếu không kinh nghiệm xử trí sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và bé. Tuy nhiên, nếu tiến hành phẫu thuật theo cách thông thường, nguy cơ mất một lượng máu rất lớn, phải truyền rất nhiều máu kèm theo nhiều rủi ro khác có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật. Do đó, các bác sĩ đã tiến hành phối hợp liên chuyên khoa để lên chương trình phẫu thuật cho sản phụ, đồng thời áp dụng kỹ thuật mới – chèn bóng ở động mạch chậu trong để cuộc phẫu thuật an toàn và hạn chế biến chứng cao nhất.

Sản phụ L.T.X.L, 35 tuổi, ngụ ở tỉnh Bạc Liêu có 2 lần mổ lấy thai trước đây. Ở tuần thai thứ 29, sản phụ đi khám thai tại địa phương thì phát hiện nhau tiền đạo bám vào vết mổ lấy thai cũ có khả năng cài răng lược trên vết mổ cũ. Tại đây, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Kiều Dung – Khoa Phụ sản đã trực tiếp theo dõi sát sao thai kỳ đến tuần thứ 35. Lúc này, nhau đã xâm lấn đến bàng quang, thai phụ bị đau trằn rất khó chịu. Gần sang đến tuần thứ 36, đánh giá khả năng sống sau sinh của thai nhi tốt, các bác sĩ đã quyết định phối hợp liên chuyên khoa để phẫu thuật mổ bắt con và dự kiến phải cắt bỏ tử cung để bảo tồn tính mạng cho thai phụ.

Cứu sống hai mẹ con thai phụ bị nhau cài răng lược cực nguy hiểm - Ảnh 1.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Kiều Dung đang thăm khám cho sản phụ


Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Kiều Dung cho biết: "Thai phụ có vết mổ cũ 2 lần, khi bắt đầu thai kỳ cũng không đi khám thai nên lúc biết nhau bám vào vết mổ cũ thì đã quá trễ. Nhau bám vào vết mổ cũ dẫn đến tình trạng nhau cài răng lược – bánh nhau xuyên qua lớp cơ tử cung. Nguy hiểm hơn, sản phụ này bị nhau cài răng lược thể nặng, xuyên hết lớp cơ tử cung và bắt đầu xâm lấn ra tới bàng quang, vào tới lớp cơ bàng quang. Thông thường với nguy cơ nhau cài răng lược, các mạch máu tăng sinh nhiều, khi mổ nhau không tróc ra được khỏi tử cung, cơ tử cung không co thắt được và vì vậy nguy cơ chảy rất nhiều máu. Ở những ca mổ như vậy, việc phải truyền một khối lượng máu rất lớn lên tới 4 - 5 lít máu kèm theo 2 - 3 lít các chế phẩm của máu sẽ rất thường xảy ra".

Về mặt chẩn đoán hình ảnh học, bác sĩ chuyên khoa I Trần Doãn Khắc Việt – Khoa Chẩn đoán hình ảnh bệnh viện đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sản phụ đã được chụp MRI tại Bệnh viện Cần Thơ, sau đó được đưa vào bệnh viện đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Nhận được đề nghị của Khoa Phụ sản, các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh đã hội chẩn phim và kết luận, sản phụ có tình trạng nhau cài răng lược ở thể percreta - xâm lấn vào các lớp cơ tử cung và thậm chí xâm lấn ra các cơ quan xung quanh. Các bác sĩ hội chẩn nghi ngờ có tổn thương ảnh hưởng tới một phần bàng quang rất nguy hiểm, ngoài nguy cơ chảy máu nhiều còn là nguy cơ tổn thương bàng quang hoặc niệu quản trong lúc phẫu thuật.

Sản phụ L.T.X.L cho biết: "Trước khi vào phòng mổ em rất lo sợ, nhưng được các bác sĩ có kinh nghiệm tận tình giúp đỡ nên em cũng yên tâm. Em rất cảm ơn các bác sĩ bệnh viện đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh đã giúp mẹ con em qua được cơn nguy hiểm".

Chia sẻ về lý do quyết định thực hiện kỹ thuật mới này, tiến sĩ, bác sĩ Trần Nhật Thăng – Trưởng Khoa Phụ sản bệnh viện đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc nhau bám chặt vào vùng tiền đạo đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân là do quan niệm chọn ngày, giờ sinh con khiến tình trạng mổ lấy thai ngày càng phổ biến, do đó chúng ta đang từng bước phải trả giá bằng những bệnh lý phức tạp như vậy. Trước đây, phương tiện kỹ thuật hạn chế nên chúng ta chỉ cố gắng chuẩn bị thật nhiều máu và mổ thật nhanh để giảm chảy máu càng nhiều càng tốt, nhưng người bệnh vẫn phải đối diện với nguy cơ truyền tới vài lít máu, phải điều trị ở những bệnh viện hàng đầu với trình độ chuyên môn cao thì mới tránh được trường hợp tử vong. Chúng ta cần phải có biện pháp tiếp cận hiện đại hơn, để phẫu thuật viên vẫn bình tĩnh, yên tâm mổ một cách khéo léo, từ tốn để giảm thiểu rủi ro phẫu thuật cho người bệnh.

“Việc bệnh viện đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh tiên phong trong những can thiệp như thế này mở ra một hướng mới, cơ hội mới cho người bệnh, vì thực tế về mặt chuyên môn, người bệnh được lợi về mặt sức khỏe với những chăm sóc y tế hiện đại. Ngoài việc phù hợp với hướng phát triển hiện đại trên thế giới, điều này còn có ý nghĩa lớn về công tác đào tạo, thực hành giảng dạy của bệnh viện”

TS BS. Trần Nhật Thăng chia sẻ

"Việc bệnh viện đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh tiên phong trong những can thiệp như thế này mở ra một hướng mới, cơ hội mới cho người bệnh, vì thực tế về mặt chuyên môn, người bệnh được lợi về mặt sức khỏe với những chăm sóc y tế hiện đại. Ngoài việc phù hợp với hướng phát triển hiện đại trên thế giới, điều này còn có ý nghĩa lớn về công tác đào tạo, thực hành giảng dạy của Bệnh viện", tiến sĩ, bác sĩ Trần Nhật Thăng chia sẻ.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Kiều Dung cho biết, yếu tố nguy cơ của nhau cài răng lược là trên các vết mổ lấy thai cũ, càng mổ nhiều lần thì nguy cơ nhau cài răng lược càng cao, bên cạnh đó là các trường hợp sinh nhiều hoặc có tiền sử nạo phá thai nhiều lần… Do đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc tự ý lựa chọn ngả sinh con mà không theo chỉ định y khoa phù hợp. Bên cạnh đó, thai phụ nên đi khám sớm để kịp thời phát hiện và có phương án điều trị thích hợp, tránh trường hợp đặt tính mạng của cả mẹ và con trước nhiều thử thách như trường hợp vừa rồi.