Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đà Nẵng lên phương án phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp

UBND TP Đà Nẵng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện triển khai thực hiện các biện pháp nhằm phòng, chống hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn đảm bảo sản xuất nông nghiệp năm 2022 trên địa bàn thành phố.

Phương án nhằm đảm bảo công tác phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Phương án nhằm đảm bảo công tác phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

UBND TP Đà Nẵng vừa phê duyệt Quyết định ban hành Phương án phòng, chống hạn hán phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 2022 trên địa bàn thành phố.

Phương án nhằm chủ động trong công tác phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn và tiêu nước trong vụ sản xuất khi có mưa lớn, đảm bảo cho công tác chống úng hạn đạt hiệu quả; phát huy năng lực các công trình hiện có nhằm nâng cao khả năng đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp năm 2022 trên địa bàn thành phố.

Với diện tích gieo trồng lúa toàn thành phố năm 2022 khoảng 4.723,5 ha, phương án đặt mục tiêu bơm nước từ hồ, đập cho khoảng 886 ha, từ trạm bơm khoảng1.280,9 ha, và các biện pháp khác khoảng 355,9 ha cho vụ Đông Xuân 2.522,8 ha; bơm nước từ hồ, đập cho khoảng 766,1 ha, từ trạm bơm khoảng 1.313,6 ha, và các biện pháp khác khoảng 121 ha cho vụ Hè Thu 2.200,7 ha.

Hiện nay, qua kiểm tra dung tích các công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố và các hồ chứa thủy điện thượng nguồn tỉnh Quảng Nam, cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước phục vụ sản xuất Hè Thu năm 2022. Tuy nhiên, để đảm bảo cấp nước tiết kiệm và hiệu quả, các đơn vị quản lý thủy nông cần sử dụng các giải pháp công trình và phi công trình ngay từ đầu vụ Hè Thu 2022 để ứng phó với tình hình nắng nóng, xâm nhập mặn có thể xảy ra trong thời gian sinh trưởng của cây trồng.

Theo đó, biện pháp chống hạn chung là các đơn vị quản lý, khai thác công trình tăng cường kiểm tra kênh mương, đồng ruộng, kiểm tra lượng nước lãng phí từ các kênh tiêu của từng khu tưới để điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm nước; tổ chức lấy nước đúng phiên và xử lý kịp thời những sự cố. Kiểm tra các ao nuôi cá, phân phối nước thích hợp và ưu tiên cho tưới lúa. Tu bổ, đắp kín các đập thời vụ, đập ngăn kênh tiêu trong khu tưới, khắc phục rò rỉ nước kênh mương và đồng ruộng…

Đối với các trạm bơm vệ tinh (chống hạn) của hệ thống thủy nông Đồng Nghệ, Hòa Trung, Trước Đông, An Trạch, cần duy tu, bảo dưỡng máy móc thiết bị để chủ động triển khai bơm nước chống hạn ở cuối vụ nếu cần thiết; hoạt động các trạm bơm thuộc hệ An Trạch, trạm bơm Bích Bắc, các trạm bơm Cẩm Toại, Thạch Bồ trên sông Yên theo lịch xả nước của các nhà máy thủy điện để hoạt động các trạm bơm hiệu quả.

Tổ chức rà soát cụ thể nguồn nước để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, cân đối nguồn nước để bảo đảm cung cấp nước đến cuối vụ Hè Thu 2022. Những khu tưới có điều kiện thì tổ chức áp dụng tưới tiêu theo phương pháp khoa học theo công thức tưới nông - lộ - phơi để tiết kiệm nước. Thực hiện chuyển đổi giống lúa theo định hướng cơ cấu giống nhằm tăng tỷ lệ giống trung ngắn ngày theo cơ cấu giống, lịch thời vụ trong vụ Hè Thu 2022.

UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện triển khai thực hiện các biện pháp nhằm phòng, chống hạn hán thiếu nước xâm nhập mặn đảm bảo sản xuất nông nghiệp năm 2022 trên địa bàn thành phố.

UBND các quận, huyện tuyên truyền nhân dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm, đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những vùng thiếu nước tưới, hạn chế không để diện tích bị mất trắng do khô hạn…