Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đà Nẵng phấn đấu 100% phường, xã duy trì mô hình phòng, chống bạo lực gia đình

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 trên địa bàn thành phố.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Chương trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống bạo lực để từng bước giảm dần bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ người bị bạo lực gia đình trên địa bàn.

Theo đó, Kế hoạch đặt mục tiêu đạt 50% số hộ gia đình tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình do UBND phường, xã tổ chức tại các thôn, tổ dân phố. Phấn đấu đạt 50% các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của thành phố có chuyên mục về phòng, chống bạo lực gia đình được phát sóng định kỳ. Trên 70% người có nguy cơ bị bạo lực gia đình được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng phó khi bị bạo lực gia đình.

Thành phố cũng phấn đấu đạt 95% người bị bạo lực gia đình khi phát hiện được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc sức khỏe; trên 80% người có hành vi bạo lực gia đình khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực. Đội ngũ cộng tác viên dân số trên địa bàn thành phố thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng phấn đấu đạt 90%; 100% phường, xã duy trì Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Đặc biệt, 100% người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình các cấp được được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về phòng, chống bạo lực gia đình.

UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương rà soát, kiện toàn lại Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trong giai đoạn mới.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Kế hoạch liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực đối với trẻ em trong môi trường gia đình; lồng ghép việc tiếp nhận, xử lý thông tin về các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình trên Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm Công tác xã hội 02362214668 và Tổng đài 1022 của thành phố…