Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đại biểu tranh luận với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về thủy điện: "Mọi thứ đều đúng, chỉ trời sai vì... mưa nhiều quá”

(Dân sinh) - Giơ biển tranh luận lại, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nhận định, “phát biểu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh từ hôm qua đến giờ, tôi thấy rằng mọi thứ chúng ta đều đúng cả, chỉ có trời là sai vì... mưa nhiều quá. Bộ trưởng có nói là do chính quyền địa phương, do quy hoạch, do khâu tổ chức thực hiện. Tôi cho rằng chưa ổn”.

Các cơ quan đều trách nhiệm, thực hiện đúng quy định

Hôm nay (5/11), tại phiên thảo luận Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã tranh luận lại với các ĐB về thông tin dự án thuỷ điện có hai mặt tích cực và hạn chế.

Đại biểu tranh luận với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về thủy điện: "Mọi thứ đều đúng, chỉ trời sai vì... mưa nhiều quá” - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương).

Theo ông Tuấn Anh, hiện có quy trình pháp lý quan trọng và bài bản quản lý đầu tư, hiệu quả dự án, đặc biệt là báo cáo kinh tế kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường.

“Đây là những nhân tố cơ bản giúp các cấp có thẩm quyền quyết định xem đầu tư, đánh giá dự án đó có hiệu quả hay không, mức độ tác động tiêu cực thế nào.

Các dự án còn phải thoả mãn các giải pháp, biện pháp để giảm bớt các tiêu cực, khai thác tốt các ưu thế cũng như lợi ích từ dự án", Bộ trưởng nêu các điều kiện khi cấp phép đầu tư dự án thủy điện.

Về quản lý đất, đất rừng tự nhiên khi cấp phép thủy điện, Bộ trưởng cho biết, phải bổ sung quy hoạch, nêu rõ tiêu chí nếu chiếm dụng 10ha/1KW thì không được, và phải xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.

"Các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đều có trách nhiệm, đặc biệt là địa phương, kiểm tra thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo khả thi cũng như báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án", Bộ trưởng Công thương nêu.

Ông Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án là rất quan trọng, giúp các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư thông qua. Các báo cáo này đều phải đăng công khai trên các trang điện tử của cơ quan thẩm định.

Trả lời về ý kiến đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai), Bộ trưởng Công thương cho hay, khi các dự án thuỷ điện hết vòng đời dự án phải thực hiện các yêu cầu của luật định, trong đó đánh giá chất lượng của các hồ đập, hướng sử dụng hoặc tháo dỡ. Yêu cầu chủ đầu tư chịu trách nhiệm tháo dỡ, có phương án báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Giơ biển tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nhận định, “phát biểu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh từ hôm qua đến giờ, tôi thấy rằng mọi thứ chúng ta đều đúng cả, chỉ có trời là sai vì mưa nhiều quá".

"Bộ trưởng có nói là do chính quyền địa phương, do quy hoạch, do khâu tổ chức thực hiện, tôi cho rằng chưa ổn”, ông Hồng nhấn mạnh.

Đại biểu tranh luận với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về thủy điện: "Mọi thứ đều đúng, chỉ trời sai vì... mưa nhiều quá” - Ảnh 2.

Đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (đoàn Gia Lai)

Nhắc đến câu của người xưa thường nói là “tức nước thì vỡ bờ”, đại biểu đoàn Bình Dương cho hay, làm nhiều đập thuỷ điện, không vỡ chỗ đập thuỷ điện nhưng sẽ vỡ ở chỗ khác, nước dâng cao phải tìm đường thoát, thoát thì tạo ra trái quy luật tự nhiên gây ra những hậu quả.

“Tôi không phải nhà khoa học, câu trả lời về nguyên nhân lũ lụt và sạt lở thì Chính phủ và các nhà khoa học sẽ có ý kiến chính thức cuối cùng”, ông Hồng bày tỏ.

“Bộ trưởng không thể đổ thừa cho địa phương”

Với điện mặt trời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, các chủ đầu tư cũng phải xử lý rác thải từ các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi dự án hết thời hạn.

“Tất cả các chủ đầu tư đều phải chịu trách nhiệm về xử lý các tấm pin quang điện. Thực tế chỉ có 3% một số khoáng chất có thể liên quan đến môi trường”, lãnh đạo ngành Công thương nhấn mạnh.

Tranh luận lại, đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (đoàn Gia Lai) nói, “tôi thấy Bộ trưởng trả lời như vậy là chưa làm đúng trách nhiệm của mình. Bộ trưởng không thể đổ thừa cho địa phương, cũng không thể nói có quy định của luật về việc chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm xử lý tấm pin điện mặt trời đó".

"Cái chúng tôi đang cần là người đứng đầu ngành có phương án gì với việc đó”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo nữ đại biểu, hiện cán bộ, nhân dân ở địa phương có pin năng lượng mặt trời rất hoang mang. “Ngay kể cả bản thân tôi”, bà Ksor H'Bơ Khăp nhấn mạnh và thông tin, thị xã Ayun Pa nơi bà đang sống là “lòng chảo”, rất nắng, đến 10h đêm vẫn 37 độ. Giờ lại thêm pin năng lượng mặt trời tràn lan.

“Sau này những tấm pin đó sẽ xử lý thế nào? Đưa lên mặt trăng hay dùng để nướng bò một nắng hay sao vì vùng lòng chảo của chúng tôi có đặc sản này?”, ĐB Ksor H'Bơ Khăp gay gắt.