Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đắk Lắk: Phát động chiến dịch phòng, chống đuối nước ở trẻ em

(Dân sinh) - Ngày 16/7, Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ phát động chiến dịch truyền thông Dự án phòng, chống đuối nước ở trẻ em năm 2020, tại Trung tâm Văn hóa huyện Ea Kar

Tại buổi Lễ có Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Phạm Phượng cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và huyện Ea Ka, cùng với hơn 500 học sinh trên địa bàn huyện

Đắk Lắk: Phát động chiến dịch phòng, chống đuối nước ở trẻ em - Ảnh 1.

Văn nghệ chào mừng

Các em học sinh đã được nghe thông tin về thực trạng tình hình đuối nước ở trẻ em trong thời gian qua và cách phòng chống, tai nạn đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và trẻ vị thành niên, trung bình mỗi năm cả tỉnh có khoảng 50 trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước, chủ yếu từ 6 tuổi đến 15 tuổi, trong đó phần lớn không biết bơi, không có kiến thức về an toàn trong môi trường nước và không được cha mẹ, người lớn giám sát thường xuyên. Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh ghi nhận 12 vụ tai nạn đuối nước làm 21 em tử vong.

Đắk Lắk: Phát động chiến dịch phòng, chống đuối nước ở trẻ em - Ảnh 2.

Ông Phạm Phượng PGĐ sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại buổi lễ

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh đã có nhiều giải pháp để truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, tổ chức các lớp học bơi, hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước, duy trì và phát triển mô hình ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

 Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương cắm biển cảnh báo, biển cấm, hàng rào bảo vệ các công trình thủy lợi, công trình dân dụng, xây dựng các điểm vui chơi an toàn, các bể bơi phục vụ nhu cầu bơi lội của nhân dân và trẻ em.

Đắk Lắk: Phát động chiến dịch phòng, chống đuối nước ở trẻ em - Ảnh 3.

Trẻ em học bơi tại Huyện Ea Kar

Để giảm thiểu tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Phượng đề nghị, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, phát huy trách nhiệm và sự quan tâm đối với công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, tích cực triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống đuối nước.

 Các ban ngành, địa phương cần tích cực quan tâm, vận động xã hội hóa xây dựng các hồ bơi trên địa bàn, tổ chức dạy bơi, hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, rà soát, rào chắn và lắp biển cảnh báo ở ao, hồ, sông, suối, tiếp tục thực hiện tiêu chí "Ngôi nhà an toàn", "cộng đồng an toàn", "trường học an toàn" nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em

Trong năm 2019 đã tổ chức 40 lớp dạy bơi an toàn cho 800 trẻ em, có 704 em đạt yêu cầu tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức đuối nước cho 1.200 trẻ em, 400 phụ huynh có con em dưới 6 tuổi và 60 giáo viên mầm non, tập huấn dạy bơi cho 11 huấn luyện viên, 45 giáo viên và cử 10 giáo viên thể dục đi tập huấn chuyên sâu về bơi lội, lắp đặt 32 biển cấm, biển báo tại 12 hồ, suối tại địa bàn huyện. Dự án phấn đấu trong dịp hè năm 2020 tổ chức được 40 lớp dạy bơi an toàn cho 800 trẻ em.