Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động

(Dân sinh) - Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động (TTLĐ) và tăng cường an toàn, vệ sinh lao động… đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020, trong đó “Phát triển TTLĐ và việc làm” là một trong ba dự án của chương trình.

Theo đó, mục tiêu của dự án là nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp và phát triển hệ thống thông tin TTLĐ, từ đó góp phần đẩy mạnh giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động - Ảnh 1.

Các cơ sở may gia công góp phần giúp nhiều hội viên phụ nữ nông thôn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Tổng kinh phí thực hiện dự án là 1.146,8 tỷ đồng (có thể điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 1.995 tỷ đồng), trong đó: Nguồn từ ngân sách Trung ương: 606,8 tỷ đồng; nguồn từ ngân sách địa phương: 450 tỷ đồng; nguồn từ viện trợ nước ngoài và các nguồn huy động khác: 90 tỷ đồng.

Phát triển hệ thống thông tin TTLĐ là một nội dung quan trọng của dự án, bao gồm các hoạt động như: Hỗ trợ hoạt động giao dịch việc làm; Thu thập, cập nhật, quản lý và phân tích, dự báo TTLĐ, cụ thể là thu thập, cập nhật, quản lý cung - cầu lao động; phân tích, dự báo TTLĐ, đánh giá tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của TTLĐ; phát triển mạng thông tin việc làm, cơ sở dữ liệu người tìm việc, việc tìm người của hệ thống Trung tâm DVVL; nâng cao năng lực Trung tâm tích hợp dữ liệu TTLĐ; nâng cấp, phát triển mạng thông tin internet việc làm; nâng cấp cổng thông tin việc làm Việt Nam; xây dựng hệ thống mạng kết nối các Trung tâm DVVL địa phương và Trung ương.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng chung đến tất cả lĩnh vực bao gồm, đời sống, xã hội, kinh tế, du lịch… Đặc biệt thị trường lao động TP Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung đều bị ảnh hưởng. Thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động trong đó có "Phát triển thị trường lao động và việc làm", với vai trò của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, về hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin TTLĐ, kết nối cung - cầu thực hiện các hoạt động chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong thời gian qua, trung tâm đã có một số hoạt động để hỗ trợ thị trường lao động, đặc biệt là việc cung cấp, kết nối thông tin thị trường lao động trên địa bàn Thủ đô trong bối cảnh đại dịch.

Đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động - Ảnh 2.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Cụ thể: Giai đoạn từ tháng 2 đến 5/2020, trung tâm đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, từ Bộ LĐ-TB&XH dừng việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm hằng ngày, từ thứ hai đến thứ sáu; đồng bộ hơn 15 đầu điểm sản đặt trên 15 quận, huyện thuộc địa bàn thành phố để chuyển hướng sang cung cấp thông tin thị trường lao động.

Theo ông Thành, để làm được việc đó, theo sự chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH, trung tâm đã chủ động tiến hành công tác thu thập về phía doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động. Sau đó, tiến hành kết nối sơ bộ, định hướng, đưa ra danh sách những ứng viên phù hợp để gửi lại doanh nghiệp, cũng như để người lao động chủ động kết nối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trung tâm cũng hỗ trợ công tác hoạt động trực tuyến, như: Phỏng vấn online, trao đổi công việc qua trực tuyến… Điều đó được doanh nghiệp và người lao động đánh giá rất tốt.

Trong giai đoạn từ 1/6/2020, trung tâm tiếp tục tham mưu cho Sở LĐ-TB&XH trình thành phố tổ chức phiên giao dịch lao động hằng ngày với qui mô hạn chế và vẫn bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, qua việc nghiên cứu qua công tác nắm bắt, phân tích thị trường, trung tâm còn tổ chức phiên giao dịch việc làm chuyên đề, lưu động. Các phiên giao dịch lưu động tại địa bàn các quận, huyện có sự ảnh hưởng của Covid-19 đang có dấu hiệu phục hồi.

"Tính đến thời điểm này, chúng tôi tổ chức hơn 150 phiên giao dịch. Kết quả, có gần 15.000 lao động được tuyển dụng trực tiếp thông qua các hoạt động này; hơn 6.000 doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch", Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay.