Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Đêm cuối của 13 Liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tại Rào Trăng 3: Chia nhau từng giọt nước mắm, hột muối mì tôm

Khoảng hơn 20h đêm 12/10, Đoàn cứu hộ cứu nạn của Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đi tiếp cận vụ sạt lở ở khu vực Nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3 vào đến Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67 (cách thuỷ điện Rào Trăng 4 khoảng 3km). Kiểm tra nhanh trong trạm, Đoàn tìm được một ít gạo, một ít nước mắm và một ít muối mì tôm. Mọi người cùng nhau nấu cơm, rồi chia nhau từng giọt nước mắm, từng hạt muối mì tôm, vừa ăn vừa bàn kế hoạch tiếp theo khi trời sáng.

Đêm cuối của 13 Liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tại Rào Trăng 3: Chia nhau từng giọt nước mắm, hột muối mì tôm - Ảnh 1.

Lễ tang 13 Liệt sĩ hy sinh tại khu vực Tiểu khu 67 khi đang thực hiệm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn các công nhân gặp nạn trong khu vực thuỷ điện Rào Trăng 3

Miền Trung những ngày vừa qua đã và đang trải qua những đau thương, mất mát vô cùng to lớn do mưa lũ, sạt lở đất gây ra. Có gia đình bị vùi lấp toàn bộ dưới lớp bùn đất lạnh lẽo; có nhiều người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh; nhiều người vợ mất chồng. Có những đứa trẻ bỗng chốc bơ, mồ côi cha, mẹ giữa dòng lũ dữ. Đau đớn hơn, chúng ta vừa mất đi 36 cán bộ, chiến sĩ, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Họ đã hy sinh vì nhiệm vụ, vì trách nhiệm với nhân dân, với Tổ quốc.

Tại Tiểu khu 67 thuộc xã Phong Xuân (Phong Điền, Thừa Thiên Huế), 13 liệt sĩ đã hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn những công nhân mất tích trong vụ sạt lở đất ở khu vực Nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3. "Vì việc gấp, vì nhiệm vụ, vì nhân dân, mình phải làm, quyết tâm đến cùng". Đó là những mệnh lệnh và cũng là lời cổ vũ động viên sau cùng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man trong đêm tối mịt mùng, mưa rơi tầm tã giữa rừng sâu núi thẳm ở vùng đầu nguồn sông Bồ đang cuộn lũ dữ.

Đêm cuối của 13 Liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tại Rào Trăng 3: Chia nhau từng giọt nước mắm, hột muối mì tôm - Ảnh 2.

Đêm cuối của 13 Liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tại Rào Trăng 3: Chia nhau từng giọt nước mắm, hột muối mì tôm - Ảnh 3.

Đêm cuối của 13 Liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tại Rào Trăng 3: Chia nhau từng giọt nước mắm, hột muối mì tôm - Ảnh 4.

Nỗi đau tột cùng của những người có người thân thiệt mạng do mưa lũ, sạt lở đất ở miền Trung

Mới đây, phóng viên báo Dân sinh cũng đã được nghe những tâm sự, chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (1 trong 8 người may mắn thoát nạn) về giây phút sinh tử trong đêm hoạn nạn ấy.

Theo ông Bình, chiều 12/10, sau khi nhận thông tin vụ sạt lở đất làm vùi lấp nhiều công nhân của Nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3, Đoàn xác minh thông tin tức tốc lên đường dù khi đó trời vẫn đang tiếp tục có mưa to. Đoàn xuất phát từ Huyện uỷ Phong Điền vào xã Phong Xuân rồi theo đường 71 nhắm thẳng hướng thuỷ điện Rào Trăng 3. Khi đến đoạn ngầm tràn Khe Cát, nước dâng cao, chảy xiết, Đoàn để xe lại, quyết định lội bộ đi vào.

"Trên đường đi, anh em gặp khoảng 8 đến 10 điểm sạt lở gì đấy. Có nhiều điểm, mọi người phải bỏ dép ra đi chân không vì bùn, đất không lội qua được; rồi có những điểm đầy cây mây, gai làm trầy xước, rách chân, tay nhưng cả Đoàn vẫn quyết tâm đi", ông Bình nhớ lại.

Khoảng hơn 20h đêm hôm đó, Đoàn cứu hộ cứu nạn lên đến khu vực Tiểu khu 67, do trời mưa càng lúc càng nặng hạt, mọi người quyết định vào Trạm quản lý bảo vệ rừng dừng chân, nghỉ tạm chờ trời sáng tính tiếp. "Đó là nơi có thể nói là an toàn thời điểm đấy. Căn nhà nằm ở vùng bình địa, cách xa các dãy núi cao và anh em cán bộ kiểm lâm cũng đã sử dụng bấy lâu nay. Trong đoàn cũng khá nhiều anh em có kinh nghiệm đi rừng, núi", ông Bình nói.

Đêm cuối của 13 Liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tại Rào Trăng 3: Chia nhau từng giọt nước mắm, hột muối mì tôm - Ảnh 5.

Đêm cuối của 13 Liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tại Rào Trăng 3: Chia nhau từng giọt nước mắm, hột muối mì tôm - Ảnh 6.

Những hình ảnh sau cùng của Đoàn cứu hộ cứu nạn tại Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67 trong đêm xảy ra vụ việc đau lòng

Cũng theo ông Bình, sau khi vào Trạm quản lý bảo vệ rừng, một số chiến sĩ trinh sát được cử đi thăm dò đường. Những người còn lại đi kiếm củi, nhóm lửa để hong khô áo quần. Người khác thì đi kiểm tra, tìm kiếm xem trong Trạm còn thức ăn, đồ uống gì không (đêm đó không còn cán bộ kiểm lâm ở lại trong Trạm). Sau một hồi tìm kiếm, đoàn tìm được một ít gạo, một ít nước mắm còn sót lại trong chai và ít muối mì tôm. Mọi người cùng nhau nấu cơm, hong khô đồ và chờ những người đi thăm dò đường trở về.

"Cơm chín, anh em quây quần bên bếp lửa rồi chia nhau từng giọt nước mắm, từng hạt muối mì tôm, vừa ăn vừa bàn kế hoạch xem sẽ làm gì tiếp theo vào ngày mai", ông Bình xúc động khi nhớ lại những giây phút khó khăn đó.

"Sau khi ăn cơm xong, vì cũng đã thấm mệt nên mọi người tranh thủ nghỉ ngơi. Cũng chẳng phân công gì đâu, ai tìm được chỗ nào thì nằm xuống thôi. Căn nhà có 3 gian, tám anh em sống sót, trong đó có tôi và anh Cường (Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế) nằm ở phòng ngoài cùng phía tay phải. Đang nằm ngủ thiu thiu thì bỗng đâu nghe một tiếng nổ lớn, rồi những tiếng ầm ầm, rào rào rất to. Vùng mình tỉnh dậy chưa kịp hiểu chuyện gì thì tôi nghe tiếng anh Cường kêu, khi đó Cường đang bị 2 mảng miếng bê tông đằn lên chân; rồi nhìn xuống dưới chân thì thấy bùn lầy, đất đai, bê tông trộn 1 khối", ông Bình thuật lại.

Khu nhà Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67 trước và sau 2 vụ sạt lở đất, đá liên tiếp trong đêm 12 và rạng sáng 13/10

Ông Bình cho biết, khi vụ sạt lở đầu tiên xảy ra, trong gian nhà mà 8 người may mắn thoát nạn có 1 chiến sĩ thuộc Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Quốc phòng hô to: "Các anh em tìm góc chữ A mà chạy vào".

Sau khi định hình, thấy 2/3 căn nhà đã bị san phẳng, xác định sự việc nghiêm trọng và nếu tiếp tục ở lại sẽ rất nguy hiểm, những người sống sót đạp cửa, chia thành 2 tốp dìu nhau lội, bò trườn trên những lớp bùn nhão ngập ngang đùi để đi xuống phía đường 71.

"Khi xuống đến đường, anh em mới đứng xốc lại tinh thần và họp bàn làm gì tiếp theo. Nhưng khi mới đứng được khoảng 5 phút thì lại nghe tiếng nổ bùng bùng tiếp. Xác định nếu vẫn đứng quanh đó sẽ rất nguy hiểm, anh em mới hô nhau chạy", vẫn lời ông Bình.

Thoát khỏi khu vực nguy hiểm, đoàn dìu nhau đi bộ về theo hướng thành phố, ra khỏi hiện trường được khoảng 500m thì gặp 2 người của Ban Chỉ huy quân sự huyện Phong Điền. Cả đoàn nhập vào và hỗ trợ nhau trở ra, và khi mọi người đến trụ sở UBND xã Phong Xuân đã là 5h sáng ngày 13/10.

Sau này, những hình ảnh và thông tin được công bố cho thấy, toàn bộ căn nhà 3 gian của Trạm quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 67 đã bị san phẳng. Đất, đá của 2 vụ sạt lở liên tiếp bao trùm trên diện tích hơn 5.000m2 khu vực quanh đó, với độ dày có nơi hơn 5m, cùng nhiều tảng đá to bằng cả nửa căn nhà. Và, như lời Thượng tướng Phan Văn Giang đã chia sẻ: "Đúng là thiên tai, địch hoạ, chúng ta không thể lường trước được điều gì."

Tin liên quan
Hiểm họa từ pháo tự chế

Hiểm họa từ pháo tự chế

(LĐXH) - Mặc dù có nhiều cảnh báo nguy hiểm khi tự chế pháo nổ tại nhà, các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nhưng tai nạn do...