Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đến sáng 16/9, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 227 triệu ca

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 500.631 trường hợp mắc COVID-19 và 9.293 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 227 triệu ca, trong đó trên 4,67 triệu người không qua khỏi.

Đến sáng 16/9, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 227 triệu ca - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Birmingham, Anh ngày 11/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 16/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 227.150.515 ca, trong đó có 4.671.404 người tử vong.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh trong ngày đang có dấu hiệu chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.

Nhiều nước Á-Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 127.000 ca, trong khi số ca tử vong cũng dẫn đầu với gần 2.000 trường hợp.

Đến sáng 16/9, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 227 triệu ca - Ảnh 2.

Cảnh vắng lặng trên đường phố thủ đô London, Anh khi lệnh giãn cách được ban bố nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 3/4/2020. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 202 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là gần 19 triệu ca và trên 103.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 15/9, thế giới có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 84 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 42.433.211 ca mắc và 684.576      ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 443.900 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó trên 588.000 ca tử vong.

Đến sáng 16/9, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 227 triệu ca - Ảnh 3.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga ngày 7/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

VTV cũng đưa tin, tại Campuchia, hàng trăm trường trung học trên nhiều tỉnh thành đã chính thức mở cửa trở lại trong bối cảnh gần 2 triệu thanh thiếu niên trên cả nước đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ. Theo quy định, toàn bộ các giáo viên, nhân viên trường học và học sinh phải xuất trình thẻ tiêm chủng trước khi được vào trường. Các giáo viên và nhân viên trên 50 tuổi chưa được tiêm vaccine vì lý do sức khỏe và những học sinh có bệnh nền nên chưa chủng ngừa bắt buộc phải dạy và học online.

Thái Lan đang chuẩn bị cho giai đoạn hai mở cửa lại đất nước và mở cửa trường học trong thời gian tới. Theo đó, thủ đô Bangkok cùng các tỉnh Chon Buri, Phetchaburi, Prachuap Khiri Khan và Chiang Mai sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch mở cửa trở lại cho du lịch từ ngày 1/10. Sau đó, 21 tỉnh khác sẽ mở cửa vào ngày 15/10. Ngày 15/9, Thái Lan ghi nhận 13.798 ca mới và 144 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên hơn 1,42 triệu ca, trong đó có 14.765 ca tử vong.

Sau làn sóng dịch thảm khốc, Indonesia lo ngại đợt lây nhiễm thứ ba - Ảnh 1.

Thái Lan đang chuẩn bị cho giai đoạn hai mở cửa lại đất nước và mở cửa trường học. Ảnh: AP

Tại Malaysia, các cơ sở kinh doanh tại các điểm du lịch nổi tiếng chuẩn bị mở cửa đón khách du lịch trong tuần này, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này tiến tới hồi phục kinh tế sau khủng hoảng COVID-19. "Thiên đường du lịch" Langkawi, gồm 99 hòn đảo nhỏ tại Eo Malaccaw sẽ mở cửa đón những du khách đã tiêm chủng đầy đủ từ ngày 16/9, theo kế hoạch "bong bóng du lịch" nội địa. Mô hình này học hỏi kế hoạch mở cửa du lịch trở lại của Thái Lan thử nghiệm đối với hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Phuket. Tuy nhiên, hiện Malaysia chưa mở cửa đón khách du lịch nước ngoài.

Tại Singapore, kể từ ngày 15/9, hầu hết những người từ 12-50 tuổi mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, không có bệnh lý nền nghiêm trọng và đã được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ sẽ được điều trị tại nhà. Sau khi kết thúc thời gian điều trị tại nhà, bệnh nhân sẽ không còn phải chịu bất kỳ hạn chế di chuyển nào, mặc dù theo khuyến cáo của Bộ Y tế, họ vẫn nên giảm thiểu các tương tác xã hội 7 ngày tiếp theo.

Trong khi đó, Indonesia đang cảnh giác nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ ba của dịch COVID-19, sau khi vừa trải qua làn sóng thứ hai đầy thảm khốc. Theo người phát ngôn lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia, ông Wiku Adisasmito, nguyên nhân khiến nước này cần cảnh giác là do một số quốc gia đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới. Ông nêu rõ, Indonesia phải cảnh giác và duy trì kỷ luật trong việc thực hiện các giao thức y tế để không phải đối mặt với đợt bùng phát dịch thứ ba trong vài tháng tới. Ngày 15/9, Indonesia có thêm 3.948 ca mới và 267 ca tử vong, nâng tổng số lên 4.178.164 ca trong đó có 139.682 ca tử vong.

Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày của nước này đã quay lại mốc 2.000 ca, sau khi các ca nhiễm mới ở khu vực thủ đô tăng lên mức cao kỷ lục. Đây là lần đầu tiên sau 6 ngày, số ca nhiễm trở lại ngưỡng 2 nghìn ca và cũng là số ca nhiễm hàng ngày cao thứ tư kể từ khi đại dịch bùng phát từ đầu năm tới nay. Giới chức Y tế Hàn Quốc cảnh báo, sự bùng phát các ca lây nhiễm mới gần đây ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận đã gây thêm khó khăn cho nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19 của chính phủ nước này.

Sau làn sóng dịch thảm khốc, Indonesia lo ngại đợt lây nhiễm thứ ba - Ảnh 2.

Sydney, thành phố lớn nhất của Australia, đóng cửa trong tuần thứ 3 hồi tháng 7. (Ảnh: AP)

Giới chức thành phố Sydney, thuộc bang New South Wales của Australia, đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm tại các điểm nóng dịch COVID-19 ở thành phố này, trong bối cảnh số ca mắc mới giảm và tiến độ tiêm vaccine được đẩy nhanh. Theo đó, lệnh giới nghiêm từ 21h hôm trước đến 5h sáng hôm sau sẽ được dỡ bỏ tại các điểm nóng kể từ ngày 15/9. Dự kiến, chính quyền bang New South Wales sẽ nới lỏng thêm nhiều biện pháp khác khi 70% người dân tiêm phòng đủ liều, nhiều khả năng vào tháng 10 tới.

Tại Pháp, kể từ ngày 15/9, nhân viên bệnh viện, tài xế xe cứu thương, nhân viên viện dưỡng lão, bác sĩ tư nhân, lính cứu hỏa và những người chăm sóc người già hoặc người ốm tại nhà - tổng cộng khoảng 2,7 triệu người - phải có chứng nhận đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 hoặc sẽ bị tạm thời phải nghỉ việc hoặc không được trả lương.