Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Điện Biên: Triển khai Chương trình "Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời"

Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời được tỉnh Điện Biên quan tâm. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên hoạt động cho các xã đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Nhờ đó, các kiến thức và thực hành dinh dưỡng của người dân từng bước được cải thiện; tỷ lệ trẻ nhỏ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tăng từ 38,1% năm 2019 lên 39% năm 2020. Qua đó đã góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác y tế trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự phối kết hợp giữa các Sở, Ban, Ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện và xã trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong đó có Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam” giai đoạn đến 2025 và 2030 trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Khám và tư vấn dinh dưỡng về chăm sóc trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời.

Khám và tư vấn dinh dưỡng về chăm sóc trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời.

Hiện nay, hệ thống tổ chức bộ máy của ngành Y tế tiếp tục được kiện toàn, ổn định, góp phần tích cực cho công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ giường bệnh quốc lập/vạn dân tăng từ 31,2 giường bệnh (năm 2019) lên 31,5 giường bệnh (năm 2020). Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân tăng từ 12,03 bác sĩ năm 2019 lên 12,54 bác sĩ năm 2020; Tỷ lệ Dược sỹ đại học/vạn dân tăng từ 1,68 Dược sĩ (năm 2019) lên 1,94 Dược sỹ (năm 2020); Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ làm việc tăng từ 89,9% (năm 2019) lên 97,7% (năm 2020; Tỷ lệ trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi 96,1%; Tỷ lệ xã có Y sỹ Y học cổ truyền trên 86%. Mạng lưới làm công tác dinh dưỡng được củng cố và kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở; số lượng và chất lượng cán bộ làm công tác dinh dưỡng được nâng lên thông qua các lớp tập huấn cập nhật kiến thức hàng năm.

Phó Giám đốc Sở Y tế Lường Văn Kiên cho biết: Căn cứ vào các mục tiêu, chỉ tiêu trong Quyết định của Chính phủ và Kế hoạch của tỉnh, trong năm 2020, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai các hoạt động của Chương trình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam, lồng ghép vào các hoạt động của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số để triển khai thực hiện. Trong đó: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi, giảm từ 26,9% năm 2019 xuống 26,4% năm 2020. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) ở trẻ em < 5 tuổi, giảm từ 16,2 năm 2019 xuống 15,9% năm 2020. Tỷ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng thấp (dưới 2500 gram) đạt 4,9% năm 2020. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được uống viên sắt/đa vi chất phòng thiếu máu tăng từ 58,4% năm 2019 lên 64,6% năm 2020. Cùng với đó, ngành Y tế  đã tổ chức 220 lớp truyền thông thực hành dinh dưỡng cho trên 5.500 bà mẹ mang thai, bà mẹ có con dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng, người chăm sóc trẻ. Qua đó tỷ lệ trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đã được cải thiện, cụ thể: Tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tăng từ 38,1% năm 2019 lên 39% năm 2020. Tỷ lệ bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm đến hết năm 2020 đạt 70,5%.

Mặc dù những kết quả đã đạt được ở trên, tuy nhiên tỉnh Điện Biên vẫn còn gặp những thách thức lớn về dinh dưỡng như: Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao (cao gấp 1,32 lần so với toàn quốc), trong khi đó tình trạng thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa và các yếu tố nguy cơ sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng đang có xu hướng gia tăng nhanh ở cả trẻ em và người trưởng thành; tình trạng thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn ở mức cao. Nguồn nhân lực thực hiện các chương trình dinh dưỡng ở tuyến cơ sở còn thiếu về số lượng. Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng chống suy dinh dưỡng, chủ yếu từ nguồn ngân sách Trung ương.

Để thực hiện công tác y tế, dân số trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng tốt hơn, trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, trong đó ưu tiên hỗ trợ phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em dưới 5 tuổi tại các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi của người dân, tư vấn lợi ích của việc khám thai định kỳ và chăm sóc dinh dương trong thời kỳ mang thai và cho con bú, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ và cho trẻ bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý, bổ sung vi chất cho trẻ. - Tập trung cung cấp thông tin và truyền thông cho phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con nhỏ, người chăm sóc trẻ đặc biệt các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.