Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Báo động vi phạm bản quyền âm nhạc trên không gian mạng

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Thời gian qua, nhiều nhạc sĩ gửi kiến nghị về Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để được hỗ trợ pháp lý khi có những ký kết thiếu khách quan, minh bạch với đơn vị khác.

Hiện tượng này làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả khi đã ký ủy thác cho Trung tâm bảo vệ và khai thác quyền tác giả đối với các tác phẩm của mình. 

Trên thực tế, nhiều nhạc sĩ bị “vướng” phải tình trạng không thể thu được tiền bản quyền từ các nền tảng trực tuyến, khi đã “lỡ” ký hợp đồng miễn phí toàn bộ tiền tác quyền.

Báo động vi phạm bản quyền âm nhạc trên không gian mạng - 1
 Báo động vi phạm bản quyền âm nhạc trên môi trường mạng. (Ảnh minh họa).

Bởi có tình trạng, nhiều nền tảng trực tuyến đang có những điều khoản chỉ có lợi cho họ, mà không chi trả bất cứ số tiền bản quyền nào cho nhạc sĩ, nhưng tất cả đều được soạn thảo bằng tiếng Anh nên nhiều nhạc sĩ không xem kỹ mà đặt bút ký ngay khi nghe nói tác phẩm được đưa lên nền tảng trực tuyến để công chúng nghe... dẫn đến tình trạng bị mất trắng tiền bản quyền.

Bộ phận pháp lý của VCPMC cho biết, trong nhiều trường hợp, việc cài cắm điều khoản, nội dung gây bất lợi trong một bản hợp đồng để đưa các nhạc sĩ ký diễn ra khá phổ biến, bởi họ lợi dụng tính cách nghệ sĩ cởi mở, phóng khoáng và trọng tình, tin vào lời nói trao đổi rồi dễ dàng ký…

Rất nhiều tình huống mà các nhạc sĩ, đặc biệt là nhạc sĩ lớn tuổi bị lợi dụng, như trường hợp của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương với tác phẩm "Tình ta biển bạc đồng xanh". Vụ việc diễn ra từ năm 2021 và đến bây giờ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Hay như trường hợp của nhạc sĩ Trần Thanh Tùng, tác giả của những ca khúc “Đừng ví em là biển”, “Tình khúc Nguyệt hồ”, “Biển hát lời anh ca”, rất bức xúc khi phải đăng đàn vì một bản hợp đồng bị đánh tráo khái niệm. Ông thừa nhận bản thân còn non nớt về mặt pháp lý nên bị lừa gạt.

Bởi sau khi ký một tuần, không nhận được bản chính hợp đồng như thỏa thuận, rồi 2 tháng vẫn không thấy đâu. Liên hệ điện thoại không được, ông lần theo địa chỉ tới công ty. Tuy nhiên, họ tiếp nhạc sĩ ở quán nước với bản hợp đồng đưa trả lại không có dấu công ty...

Sau khi hỏi một người bạn, nhạc sĩ biết có dấu hiệu lừa dối nên gửi kiến nghị lên Cục Bản quyền tác giả đề nghị không cấp giấy ủy quyền cho công ty. Đồng thời gửi đơn đề nghị VCPMC thay mặt nhạc sĩ tiến hành các bước chấm dứt hợp đồng và xử lý vấn đề liên quan.

Nhạc sĩ Bảo Chấn cũng rơi vào tình huống rắc rối khi tác phẩm bị xâm phạm quyền lợi, bị ép buộc nhằm vô hiệu hóa quyền của người sáng tạo ra tác phẩm.

Theo bộ phận pháp lý của VCPMC, bản thân nhạc sĩ Bảo Chấn khi nhận thấy việc ký một bản hợp đồng ủy quyền cho đơn vị tư nhân là vội vàng, không phù hợp, nên đã nhanh chóng đề nghị công ty chấm dứt việc ủy quyền từ tháng 6/2021.

Tuy nhiên, mong muốn này của nhạc sĩ đã không được đơn vị này tôn trọng, khiến nhạc sĩ phải ủy quyền cho luật sư làm việc và chính thức khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình từ năm 2022.

Mặc dù Bản án sơ thẩm vào năm 2023 của tòa án đã tuyên chấp nhận yêu cầu của nhạc sĩ Bảo Chấn, tuy nhiên đơn vị này vẫn cố tình gây khó khăn cho nhạc sĩ, kháng cáo bản án sơ thẩm, khiến cho vụ án tiếp tục kéo dài.

Thêm 1 năm nữa nhạc sĩ Bảo Chấn vất vả đi đòi lại tác phẩm của mình thì cuối cùng Bản án phúc thẩm đã được tuyên “y án sơ thẩm”. Song, toàn bộ vụ việc  dai dẳng đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sức khỏe và tinh thần của nhạc sĩ.

Thực tế đã có hợp đồng cài cắm câu từ, định nghĩa... gây nhiều bất lợi cho tác giả.

Nhiều đơn vị tìm cách né tránh, không thực hiện quy định xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả, dẫn đến việc quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả bị xâm phạm, thiệt hại và không được tôn trọng, gây bức xúc cho người sáng tạo và dư luận xã hội. Rõ ràng, sự xuống cấp về đạo đức kinh doanh của một số tổ chức, cá nhân đáng lên án và rất cần chung tay ngăn chặn.

Duy Linh

Báo Lao động và Xã hội số 140