Các chuyên gia cho rằng cần coi ô nhiễm không khí là vấn đề cấp bách, xây dựng lộ trình ưu tiên thực hiện trong 3 - 5 năm tới với các mục tiêu và giải pháp ưu tiên để giảm ô nhiễm môi trường.
Ô nhiễm không khí tăng dần theo thời gian và đáng lo ngại
Những ngày cuối tháng 11, thành phố Hà Nội nhiều lần đứng đầu bảng xếp hạng các thành phố nhiễm nhất thế giới. Theo dữ liệu từ AirVisual, chỉ số AQI tại Hà Nội thường xuyên vượt ngưỡng 200, mức gây nguy hiểm đến sức khỏe con người, đặc biệt đối với nhóm người nhạy cảm như trẻ em, người già và người mắc bệnh mãn tính.
Bà Nguyễn Thị Hoa, cư dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi sáng thức dậy, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ chỉ thấy một lớp sương bụi dày đặc. Trước đây, tôi thường đi bộ buổi sáng nhưng gần tháng nay tạm dừng vì mỗi lần ra ngoài lại cảm thấy khó thở và đau họng. Chưa năm nào không khí ô nhiễm như năm nay”.
Đây cũng là nỗi lo ngại chung của nhiều người dân về chất lượng không khí ngày càng xấu đi.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, trong đó thông số ô nhiễm không khí chính hiện nay là bụi mịn PM2,5.
Dữ liệu quan trắc của Bộ TN&MT cho thấy, diễn biến ô nhiễm không khí tăng dần theo thời gian, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế - xã hội đã có sự phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19.
Thực tế này đòi hỏi phải thực hiện ngay các giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Theo số liệu của Bộ TN&MT, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội và TPHCM có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm chỉ số chất lượng môi trường không khí (ngưỡng giá trị AQI) đã lên đến mức xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian ô nhiễm tập trung vào mùa đông, từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau. Trong các nhóm nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn, hoạt động giao thông vận tải là nguồn ô nhiễm lớn nhất; sau đó là các nguồn từ hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, hoạt động đốt, sử dụng bếp than tổ ong.
Ngoài ra, yếu tố thời tiết và khí hậu cũng tác động không nhỏ đến chất lượng không khí, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Theo ông Nguyễn Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời cũng ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.
Trong đó, ô nhiễm bụi mịn được ghi nhận hầu hết quận, huyện của thành phố, nhất là các quận nội thành, tập trung đông dân cư và hoạt động giao thông.
Ông Tấn cho biết, thành phố đang triển khai 4 nhóm giải pháp ưu tiên, trong đó: Nghiên cứu, xây dựng các quy định, cơ chế đặc thù nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí đã được ban hành tại Luật Thủ đô như tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp;
Thực hiện giảm phát thải từ các nguồn chính, nhất là nguồn giao thông, trong đó có công tác rửa đường, phân vùng giao thông và thu phí phân vùng; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy;
Xây dựng khu vực phát thải thấp; bên cạnh đó, xây dựng cơ chế và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng không khí trong thành phố, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp liên cấp, liên ngành, liên vùng.
Cần coi ô nhiễm không khí là vấn đề cấp bách
Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, ô nhiễm không khí đã nghiêm trọng đến mức người dân dùng từ “mùa ô nhiễm” thay cho mùa đông, nhất là miền Bắc. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, trước hết cần coi ô nhiễm không khí là vấn đề cấp bách để có giải pháp kịp thời.
“Vấn đề ô nhiễm không khí được nhận thức từ nhiều năm trước nhưng chất lượng không khí ngày càng suy giảm chứng tỏ các công cụ chưa hiệu quả”, ông Tùng nhấn mạnh.
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT), công tác kiểm soát chất lượng không khí còn gặp nhiều khó khăn, như nguồn lực về thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí, quan trắc và công bố thông tin chất lượng môi trường không khí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, năng lực cán bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu, ít có chương trình, nhiệm vụ cho lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng môi trường không khí.
Trách nhiệm thực hiện quản lý nguồn thải gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu đông dân cư còn phân tán, thuộc nhiều ngành, lĩnh vực như giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp và UBND các địa phương.
Ông Nam cho biết, Bộ đang đề xuất nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng không khí tại Việt Nam, nhất là các đô thị lớn. Trong đó rà soát, tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách lớn, có tầm quan trọng vĩ mô liên quan đến quản lý chất lượng không khí.
Trong đó, tập trung vào các chính sách về thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; đồng thời siết chặt các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ TN&MT đang xây dự thảo quy chuẩn khí thải xe máy và lộ trình áp dụng, sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành. Đây sẽ là công cụ quan trọng kiểm soát nguồn ô nhiễm rất lớn, rất đáng kể ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT sẽ tổ chức thanh, kiểm tra, xử lý sai phạm, giám sát các nguồn thải khí thải, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở phát sinh bụi, khí thải lớn trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Theo PGS, TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cần thành lập Ủy ban trực thuộc Chính phủ với sự tham gia của bộ ngành, địa phương, chuyên gia, xây dựng lộ trình ưu tiên thực hiện trong 3 - 5 năm tới với các mục tiêu và giải pháp ưu tiên.
Đào Thọ
Báo Lao động và Xã hội số 142