Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Giá cà phê tăng kỷ lục, người trồng lãi đậm

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Nếu như những tháng cuối năm 2023, giá cà phê từ 59.000 - 69.000 đồng/kg, thì từ đầu năm 2024 đến nay, đặc biệt từ tháng 3 đã lên mức trên 100.000 đồng/kg và hiện đạt mức cao kỷ lục 123.000 đồng/kg, nhờ đó người trồng lãi đậm, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu lại lỗ nặng.

Người trồng cà phê phấn khởi

Huyện Đắk Đoa có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai với hơn 28.000ha, trong đó, khoảng 26.000 ha đang trong giai đoạn cho thu hoạch. Chị H’Ngơnh (làng Ktăng, xã Kdang, huyện Đắk Đoa) cho biết, gia đình chị có 3,5ha cà phê.

Năm ngoái, trừ chi phí đầu tư, chị thu được hơn 400 triệu đồng. Năm nay, giá cà phê tăng gấp đôi nên sau khi trừ chi phí ước tính lãi gần 800 triệu đồng.

Giá cà phê tăng kỷ lục, người trồng lãi đậm - 1
Nông dân phấn khởi khi cà phê được mùa, được giá.

Niềm vui được mùa, được giá hiện rõ trên gương mặt anh Nguyễn Bá Tài (thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, Gia Lai). Anh Tài phấn khởi cho hay, gia đình anh có gần 2,8ha cà phê. Năm nay, dự kiến thu hoạch được hơn 11 tấn nhân, cao hơn năm trước khoảng 1-1,5 tấn.

“Năm nay, không những cà phê được mùa mà giá bán cũng tăng gấp đôi so với năm ngoái nên chúng tôi rất phấn khởi. Vì thế, chúng tôi càng thêm gắn bó với cây cà phê hơn”, anh Tài nói.

Công ty Cà phê Ia Sao 2 (huyện Ia Grai, Gia Lai) có 464ha cà phê. Ông Nguyễn Ngô Hùng, Quyền Giám đốc công ty thông tin: Dự kiến năng suất cà phê niên vụ này đạt 16 - 16,5 tấn quả tươi/ha. So với trung bình nhiều năm thì năng suất này ở mức khá. Với giá cà phê như hiện nay, công ty có lợi nhuận; đời sống của cán bộ, người lao động vì thế cũng được nâng cao.

Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng có tổng diện tích cà phê khoảng 639.000ha, chiếm 92% tổng diện tích cà phê của cả nước. Năm nay, cà phê nhân đạt mức giá cao kỷ lục, hơn 100.000 đồng/kg đã mang lại niềm vui lớn cho người nông dân.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, cơn sốt giá nông sản năm nay khác với mọi năm. Nếu năm ngoái, hàng vào chính vụ giá quay đầu giảm, còn nay thì không.

Nguyên nhân là do bắt đầu từ niên vụ 2022 - 2023, lượng tồn kho cà phê của Việt Nam ở mức thấp nhất từ trước tới nay. Tình trạng thiếu hụt tiếp tục kéo dài đến hiện nay và xảy ra ở nhiều nước sản xuất cà phê khác khiến giá tăng phi mã và chưa có điểm dừng.

Thống kê từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy, diện tích trồng cà phê, ca cao đang dần bị thu hẹp do nhiều năm cà phê rớt giá. Số liệu thu thập đến hết năm 2022, Việt Nam có 656.000ha cà phê, trong đó diện tích già cỗi tăng cao. So với năm 2019, diện tích cà phê năm 2022 giảm 5%.

Doanh nghiệp xuất khẩu lỗ nặng

Giá cà phê tiếp tục leo thang khiến các nhà sản xuất và xuất khẩu lo lắng khi có những đơn hàng xuất khẩu đã ký kết dài hạn. Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, với các công ty xuất khẩu và công ty nước ngoài, do hợp đồng xuất khẩu đã ký nên vẫn phải mua cà phê với giá cao để giao hàng.

Do đó, lỗ hàng chục triệu đồng/tấn mà hợp đồng thì từ hàng trăm đến hàng nghìn tấn. Giá cà phê tăng cao kỷ lục nên nông dân sau thu hoạch cũng ít gửi đại lý, vì họ không muốn bán hết một lần hay 50% như mọi năm mà giữ lại chờ bán từ từ.

Vì vậy, lượng cung nhỏ giọt và giá cao khiến thị trường cà phê căng thẳng... Đó là những phác thảo cơ bản phía sau bức tranh có vẻ rực rỡ của thị trường cà phê hiện nay.

Cũng theo ông Thông, tình trạng được mùa, được giá mà các công ty xuất khẩu hay công ty nước ngoài nếu đã bán trước mà không nhận được hàng đã mua, thiệt hại vô cùng lớn. Hiện giá cà phê Robusta của Việt Nam cao nhất thế giới. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chuyển hướng sang thị trường Ấn Độ mua hàng.

Bà Văn Thị Loan, Giám đốc Công ty TNHH Real Bean Coffee cho biết, đơn vị sản xuất không có nguồn hàng nguyên liệu dự trữ dẫn đến việc thiếu hụt nguyên liệu vì sản lượng mua vào khó, giá tăng cao. Điều này ảnh hưởng tới giá bán ra.

Ở thị trường xuất khẩu, với những đơn hàng ký bán trước với giá cố định, chốt thấp thì xảy ra tình trạng thiếu hàng và giá mua vào cao dẫn đến lỗ vốn, không đủ hàng để giao theo hợp đồng trong các kỳ giao tới. Để đối phó với tình hình giá cà phê tăng cao, công ty đã đưa ra nhiều giải pháp.

Đối với hàng nguyên liệu và gia công, công ty chốt giá bán theo phiên. Các hợp đồng cà phê thành phẩm trước đó đã ký vẫn giữ giá, cắt giảm khuyến mãi. Còn hàng bán kênh siêu thị, quà tặng, công ty điều chỉnh giá khoảng 10% để duy trì và giữ khách.

Không chỉ cà phê mà sầu riêng, ca cao cũng lập kỷ lục giá mới trong quý I với mức tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, sầu riêng trong tháng 3 có thời điểm tăng lên 230.000 đồng/kg với hàng Monthong; ca cao có giá 7.000 - 8.000 đồng/kg quả tươi, tăng 60% so với cùng kỳ 2023.

Khánh Vân

  Báo Lao động Xã hội số 50