Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 - 2025 hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc”, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, việc kháng thuốc kháng sinh và các thuốc khác trở nên không hiệu quả làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm, thế giới có khoảng 700.000 người tử vong liên quan đến nhiễm trùng do kháng thuốc. Với tình hình này, WHO dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương khoảng 10 triệu người mỗi năm.
Theo WHO, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao do tình trạng lạm dụng và tùy tiện sử dụng thuốc của người dân. Thực trạng này đặt chúng ta trước nguy cơ đối mặt với việc không còn thuốc kháng sinh hiệu quả để điều trị bệnh nhiễm trùng.
Theo kết quả giám sát kháng thuốc gần đây, tỷ lệ kháng kháng sinh cao đã được ghi nhận ở các vi khuẩn thông thường, đặc biệt trong bệnh viện. Việc sử dụng sai mục đích và lạm dụng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp là nguyên nhân chính gây ra kháng thuốc.
TS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tại Bệnh viện Nhi Trung ương những năm gần đây, tình trạng kháng thuốc ngày càng tăng. Điều này khiến việc điều trị khó khăn hơn.
"Đặc biệt, trẻ em khác với người lớn. Những chức năng cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn thiện, vì vậy khi sử dụng các loại kháng sinh liều cao hơn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Việc nhiều cha mẹ vẫn có thói quen tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ không đúng chỉ định, không đúng liều làm tăng nguy cơ kháng thuốc, dẫn đến nhiều trẻ mắc bệnh thông thường đã kháng thuốc và bác sĩ buộc phải chỉ định phác đồ điều trị khác”, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin.
Bác sĩ Cao Việt Tùng khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức khi sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Sử dụng thuốc đúng liều, đúng chỉ định của bác sĩ.
Để tránh tình trạng kháng kháng sinh người dân không được lạm dụng thuốc kháng sinh như thuốc thông thường và phải theo các nguyên tắc sau:
- Chỉ sử dụng kháng sinh khi thật sự bị bệnh nhiễm khuẩn.
- Phải chọn đúng loại kháng sinh, nếu chọn dùng kháng sinh không đúng loại bệnh thì thuốc sẽ không có hiệu quả.
- Phải có sự hiểu biết về thể trạng người bệnh. Ðặc biệt đối với phụ nữ có thai, người già, người bị suy gan, suy thận, chỉ có thầy thuốc điều trị mới có đủ thẩm quyền cho sử dụng kháng sinh.
- Phải dùng kháng sinh đúng liều, đúng cách, đủ thời gian.
- Chỉ phối hợp nhiều loại kháng sinh khi thật cần thiết.
Theo TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết, Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế giai đoạn 2024 - 2025.
Việt Nam đã cấm sử dụng kháng sinh kích thích tăng trưởng từ năm 2018, ban hành thông tư yêu cầu kê đơn đối với tất cả loại kháng sinh sử dụng trên động vật kể từ năm 2020 và sẽ loại bỏ dần việc sử dụng kháng sinh điều trị dự phòng trong ngành chăn nuôi vào năm 2026. Đây là những nỗ lực cụ thể có thể giảm lượng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và giảm nguy cơ kháng kháng sinh ở cả động vật và con người.
Duy Anh
Báo Lao động và Xã hội số 142