Các thông tin trên chứng minh nhân dân, căn cước công dân hay thẻ căn cước (thẻ căn cước) rất quan trọng. Do vậy, mỗi cá nhân nên đề cao cảnh giác đối với đối tượng xấu, không đưa thẻ ra cho người lạ, trừ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, không nên đăng tải hình ảnh chụp thẻ căn cước trên các nền tảng mạng xã hội. Trong trường hợp cần thiết phải gửi hình thì cần thu hồi, xóa ảnh ngay sau khi đã gửi.
Đặc biệt, tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp thẻ căn cước, không cầm cố thẻ căn cước cho các cơ sở cầm đồ, không cung cấp thông tin thẻ căn cước cho các dịch vụ không thiết yếu, các dịch vụ không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.
Trường hợp phát hiện thông tin trên thẻ căn cước bị rò rỉ hoặc sử dụng vào một đích trái pháp luật, hãy báo cho cơ quan chức năng sớm nhất có thể.
Cách kiểm tra thẻ căn cước đang sở hữu bao nhiêu SIM điện thoại
Theo Luật Viễn thông, từ ngày 1/7, các thuê bao sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các số điện thoại mình đã đăng ký sử dụng với nhà mạng. Do đó, bất kỳ ai cũng nên kiểm tra các SIM điện thoại được đăng ký bằng số thẻ căn cước của mình.
Để kiểm tra các số SIM đã đăng ký với thẻ căn cước của bạn, hãy soạn tin nhắn miễn phí theo cú pháp TTTB <số thẻ căn cước>. Sau đó, gửi tin nhắn đến số 1414.
Ví dụ, nếu số thẻ căn cước của bạn là 123456789012, hãy soạn tin TTTB 123456789012 rồi gửi đến số 1414. Hệ thống sẽ trả về kết quả là thông tin các số SIM đã đăng ký với số thẻ căn cước của bạn.
Nếu thông tin gửi về phát hiện số SIM lạ mà bạn không sử dụng, cần liên hệ ngay với nhà mạng để hủy. Tránh trường hợp tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo.
Làm gì khi bị lộ thẻ căn cước?
Việc bị lộ thẻ căn cước tưởng chừng như vô hại nhưng lại chứa nhiều nguy cơ bị lừa đảo, lợi dụng, ảnh hưởng đến tài sản cá nhân... Sau đây là một số cách xử lý khi bị lộ thông tin trên thẻ căn cước:
Thu hồi ảnh thẻ căn cước ngay khi gửi nhầm: Nếu lỡ tay gửi ảnh thẻ căn cước của mình cho người khác, người gửi cần nhanh chóng thu hồi ngay tin nhắn bằng cách nhấn giữ vào tin nhắn một lúc, sau đó chọn thu hồi. Đây là cách xử lý mang tính tạm thời và chỉ thực sự hiệu quả nếu như người nhận chưa đọc được tin nhắn hoặc người nhận đã đọc tin nhắn nhưng chưa lưu ảnh thẻ căn cước.
Kiểm tra thông tin mở tài khoản ngân hàng và các khoản vay tài chính: Các thông tin trên thẻ căn cước có thể bị người khác đăng ký mở tài khoản ngân hàng, vay tín dụng hoặc nhằm các mục đích xấu khác.
Cách duy nhất để kiểm tra số thẻ căn cước đã đăng ký tài khoản ngân hàng hay chưa là liên hệ đến từng ngân hàng qua tổng đài chăm sóc khách hàng và yêu cầu nhân viên hỗ trợ về tài khoản ngân hàng. Sau đó cung cấp thông tin về số thẻ căn cước để nhân viên ngân hàng tra cứu.
Ngoài ra, để biết mình có bị giả thông tin để vay nợ hay không, cá nhân có thể tự kiểm tra thông qua trung tâm Thông tin Tín dụng CIC bằng cách truy cập địa chỉ https://cic.gov.vn/ hoặc tải ứng dụng CIC Credit Connect trên điện thoại.
Trung tâm Thông tin Tín dụng CIC là tổ chức có chức năng thu nhận, lưu trữ, phân tích, xử lý, dự báo thông tin tín dụng của cá nhân, tổ chức nhằm phục vụ cho hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng. Đây là tổ chức trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên hoàn toàn có thể yên tâm khi cung cấp thông tin để tra cứu.
Trình báo mất giấy tờ tùy thân: Khi bị mất giấy tờ tùy thân như CMND, CCCD, thẻ căn cước, giấy phép lái xe… nên trình báo đến cơ quan chức năng để thông báo về việc bị mất, đồng thời làm lại các loại giấy tờ này.
Mục đích thông báo đến cơ quan chức năng vừa để làm lại kịp thời các giấy tờ quan trọng, vừa phòng ngừa trường hợp số thẻ căn cước bị lợi dụng thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật thì có căn cứ để chứng minh bản thân không có liên quan đến các giao dịch dân sự đó.