Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đồ uống vỉa hè: Không nên dễ dãi khi giải khát mùa hè

Sử dụng đồ ăn thức uống bán trên hè phố là thói quen của nhiều người. Hành động tưởng chừng vô hại này có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, thậm chí tính mạng người dân.

Không chỉ ở Hà Nội mà ngay ở những vùng quê, có lẽ không đồ uống nào phổ thông như trà đá, nhân trần và cũng không có loại đồ uống nào lại rẻ hơn loại hình giải khát này. Ngồi quán trà đá đã thành thói quen của người dân Việt.

Những ngày nắng nóng, đồ uống vỉa hè “lên ngôi” bởi sự tiện lợi và giá cả phải chăng.

Những ngày nắng nóng, đồ uống vỉa hè “lên ngôi” bởi sự tiện lợi và giá cả phải chăng.

Tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu, trong một cốc 100ml trà đá có chứa khoảng 50-100mg chất oxalate và còn có axit tannic - một chất gây khó tiêu và ngăn cản sự tổng hợp sắt. Nếu bạn đã ăn những thực phẩm có nồng độ oxalate cao thì không nên uống các sản phẩm liên quan đến trà sau đó.

Việc sử dụng trà đá lúc đang đói cồn cào dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh dạ dày. Những người bị đau dạ dày nếu vẫn duy trì thói quen uống trà đá sẽ làm cho cơn đau dạ dày tăng lên, thậm chí có thể làm cho bệnh viêm loét dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, chất caffein có trong trà sẽ làm suy giảm sự tiết dịch tiêu hóa ở dạ dày, làm chậm lại hoạt động của nhu động ruột. Hậu quả dễ gây táo bón, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trà đá vỉa hè cũng tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh rất lớn. Thực tế, nhiều chủ quá sử dụng nguồn đá bẩn để cho vào cốc trà. Đặc biệt, những ngày nắng nóng, đồ uống vỉa hè “lên ngôi” bởi sự tiện lợi và giá cả phải chăng. Những cốc trà quất, nước mía được người bán hàng tùy tiện cho vào túi nilon, cốc nhựa dùng một lần. Nước sinh tố dứa, ổi, dưa hấu được ép nhanh ngay bên lề đường, cổng chợ, được bày bán ngay trên mặt đất, thậm chí gần với cống rãnh... Điều này khiến đồ ăn thức uống dễ bị ô nhiễm, là mối nguy lớn cho sức khỏe người sử dụng.

Theo chuyên gia hóa - thực phẩm, một số dụng cụ của các quán vỉa hè không phải là loại được khuyến khích dùng để chứa đựng thực phẩm, bởi nguy cơ người dùng nhiễm kim loại nặng rất cao. Thêm vào đó, kim loại nặng có thể nằm trong nguồn nước mà nếu không qua chế độ lọc rửa thì không loại bỏ được. Nước uống đường phố nhiễm chì, thủy ngân và cadimi quá mức sẽ gây nhiều bệnh nguy hiểm. Chưa kể, để có những loại nước uống bắt mắt, người ta dùng những loại hóa chất tạo mùi thơm, màu đẹp mắt và vị ngon, phần lớn trong số đó là hóa chất công nghiệp độc hại...

Cũng theo lời khuyên của các chuyên gia y tế lo ngại rằng, người tiêu dùng sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh có thể bị ngộ độc, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, sức khỏe. Đối với ngộ độc cấp tính, tùy theo tác nhân, có thể gây nhiễm trùng ở đường tiêu hóa hoặc các loại giun, sán cư trú, làm tổ trong cơ thể. Ngộ độc mạn tính thường do các loại hóa chất, phụ gia, chất tạo màu, tạo mùi không phù hợp gây ra, làm ảnh hưởng đến chức năng của gan và thận, gây ra các hậu quả về mặt sức khỏe, thậm chí là ung thư.

Để lựa chọn đồ ăn thức uống đường phố an toàn, theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, người tiêu dùng nên mua và sử dụng đồ ăn thức uống tại các địa điểm bày bán sạch sẽ, cách xa nơi có rác thải, bùn lầy, cống rãnh; có bàn, giá tủ được đặt cách mặt đất ít nhất 60cm để giảm bớt nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây hại, tránh bụi bẩn từ mặt đất bám vào thực phẩm. Nên chọn những nơi bán mà người chế biến, phục vụ mặc trang phục (quần áo, tạp dề...) sạch sẽ, không nhàu nát, đeo khẩu trang, bao tay khi chế biến, phục vụ.