Phát biểu tại sự kiện, nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam cho biết, vừa qua trên rất nhiều diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, hơn 30 năm qua, không ai khác, chính giới doanh nhân và doanh nghiệp ngoài quốc doanh là lực lượng cống hiến to lớn nhất cho công cuộc đổi mới của đất nước. Và đến nay, vị thế của doanh nhân đã được xác định, khuôn khổ pháp lý dành cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đang hình thành.
Theo ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện cả nước có hơn 700.000 doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh - về bản chất là tương đương 5 triệu doanh nhân. Doanh nhân đã đưa Việt Nam tiên phong đóng góp xóa nghèo. Đội ngũ doanh nhân đang đồng hành cùng Chính phủ hoàn thành mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập, đưa đất nước trở nên hùng cường, doanh nhân là động lực chủ đạo xây dựng nền kinh tế.
Về trách nhiệm cùng đội ngũ doanh nhân thời hiện đại, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cần thêm đội ngũ doanh nhân kinh doanh có trách nhiệm, nhân văn và sáng tạo.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, trong quá trình phát triển, đô thị hóa chính là động lực quan trọng trong quá trình tăng trưởng. Trong quá trình này, chính các doanh nghiệp bất động sản đóng vai trò rất quan trọng. Nếu bất động sản phát triển đúng hướng sẽ là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, để phát triển lành mạnh thì cần có vai trò định hướng quan trọng của nhóm doanh nghiệp ngành bất động sản.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho rằng, doanh nhân cũng là một nghề, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước. Còn phạm trù doanh nhân đồng hành cùng sự phát triển của đất nước lại là một câu chuyện lớn.
Ông Hiệp phân tích, "nhiều người nghĩ đồng hành đóng góp cho đất nước những điều thật lớn lao và phải có tiềm lực. Nhưng theo tôi, đồng hành cũng đất nước có thể chỉ bắt đầu bằng những thứ thật giản đơn".
Theo Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, một doanh nhân cần nhìn thấy 3 lợi ích: Trước hết là lợi ích cho xã hội đất nước; lợi ích cho những người đồng hành là nhân viên; cuối cùng mới đến lợi ích cho bản thân.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhìn nhận đội ngũ doanh nhân ở khía cạnh, trong 5 năm trở lại đây, hình ảnh doanh nhân đã có những thay đổi rất ý nghĩa. "Rất nhiều doanh nghiệp Việt sau thời gian tích lũy cơ bản đã bắt nhịp với thế giới, đi vào nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới trong các lĩnh vực mới như: AI, Big Data… BrandFinance đánh giá cao thương hiệu Việt, doanh nhân Việt. Giá trị doanh nghiệp Việt cũng đã tăng lên, chưa kể hàng chục doanh nghiệp xã hội có giá trị hàng chục, hàng trăm triệu đô", Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nêu.