Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đột phá trong giải quyết vấn đề khó, tạo ra những nội dung chưa có tiền lệ

(Dân sinh) - Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”, sáng 17/11, tại Hà Nội, Đại hội thi đua yêu nước ngành LĐ-TB&XH lần thứ V chính thức diễn ra. Đại hội nhằm đánh giá những thành tích đã đạt được 5 năm qua (2015 - 2020), biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân, điển hình tiên tiến, rút ra những kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ của phong trào thi đua giai đoạn 2020 - 2025. Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh tới dự và phát biểu chỉ đạo đại hội.

Đột phá trong giải quyết vấn đề khó, tạo ra những nội dung chưa có tiền lệ - Ảnh 1.

Các đại biểu Đảng, Nhà nước, bộ, ngành dự Đại hội.

Tham dự Đại hội có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.

Đặc biệt tham dự Đại hội có 200 đại biểu điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm qua ở tất cả các lĩnh vực của ngành LĐ-TB&XH.

Niềm tin của nhân dân đối với lĩnh vực xã hội đứng thứ 3/30 chỉ số niềm tin

Phát biểu khai mạc Đại hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: 75 năm qua, ngành LĐ-TB&XH đã đồng hành cùng đất nước, liên tục đổi mới sáng tạo góp phần tích cực vào công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. 5 năm qua trong bối cảnh thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, ngành đã luôn thực hiện phương châm: "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả", ngành LĐ–TB&XH đã cùng phục vụ đất nước vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách để đạt được những kết quả ấn tượng. Trong đó, nổi bật là vấn đề xây dựng thể chế, đổi mới lãnh đạo, đột phá trong giải quyết những vấn đề khó, vấn đề mới để tạo ra nhiều nội dung chưa có tiền lệ. "Những kết quả đó của ngành đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá và tặng những phần thưởng cao quý", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Đột phá trong giải quyết vấn đề khó, tạo ra những nội dung chưa có tiền lệ - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát động phong trào thi đua yêu nước toàn ngành giai đoạn 2020 - 2025.

Bộ trưởng cho biết thêm, trong suốt thời gian qua, nhất là giai đoạn 2020 - 2025, ngành LĐ-TB&XH luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, cụ thể của các đồng chí cấp cao của Đảng, Nhà nước, của Hội đồng Thi đua  - Khen thưởng Trung ương. 

Trong muôn vàn khó khăn về tình hình kinh tế xã hội nhưng Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm rất sâu sắc, đặc biệt là đầu tư ngân sách cho an sinh xã hội 5 năm qua tăng dần hàng năm. Năm 2019, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, ngân sách nhà nước đầu tư cho an sinh xã hội là 21% trong tổng đầu tư ngân sách và Việt Nam là nước đứng đầu ASEAN về đầu tư ngân sách này. Thứ hai, khảo sát, đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương về niềm tin của nhân dân đối với lĩnh vực xã hội đứng thứ 3 trong số 30 chỉ tiêu và niềm tin đó tăng từ 55% đánh giá tốt năm 2018 lên 68% vào tháng 9/2020. Đây là những kết quả rất đáng mừng.

Đột phá trong giải quyết vấn đề khó, tạo ra những nội dung chưa có tiền lệ - Ảnh 3.

Các đại biểu dự Đại hội.

Theo Bộ trưởng, Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V nhằm đánh giá những kết quả thi đua trong 5 năm qua, tôn vinh những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến. Đồng thời, tập trung xem xét lại và tạo ra phong trào thi đua mới trong 5 năm tới để ngành LĐ-TB&XH tiếp tục có những đổi mới xứng đáng là một Bộ hiện thân của lòng nhân ái.

Tạo nhiều đột phá trong thực hiện chính sách an sinh xã hội

Biểu dương, đánh giá cao phong trào thi đua yêu nước của ngành LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu: Trong 5 năm qua, trên tinh thần lấy con người làm trung tâm, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương chính sách, pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

"Đặc biệt trong Bộ luật Lao động năm 2019 trình Quốc hội thông qua đã thể chế hóa những quy định của hiến pháp và phù hợp với các cam kết, thông lệ quốc tế góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường lao động", Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch nước nêu, lực lượng lao động nước ta dồi dào tăng từ 53,9 triệu lao động lên 56,12 triệu lao động. 5 năm qua, Việt Nam đã giải quyết việc làm mới cho 7.850.000 lượt người. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, giáo dục nghề nghiệp có bước phát triển và gắn với thị trường lao động cũng như nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 64,5%, cơ cấu lao động và cơ cấu việc làm chuyển dịch hướng theo hướng tích cực, chất lượng việc làm được nâng lên. Người có công, đặc biệt gia đình liệt sĩ, các mẹ VNAH còn sống được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm chăm lo, hỗ trợ toàn diện. An sinh xã hội được tăng cường, kịp thời hỗ trợ người dân gặp rủi ro trong cuộc sống. Các chính sách xã hội tiến tới bao phủ toàn dân, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh tăng lên đối với cả nam và nữ, khoảng cách giới trên tất cả các lĩnh vực được thu hẹp, vị thế của phụ nữ ngày càng được nâng cao, các quyền cơ bản của trẻ em được tôn trọng và đảm bảo thực hiện. Đặc biệt, Bộ đã kịp thời tham mưu Chính phủ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người lao động và người sử dụng lao động, người có công, hộ nghèo gặp khó khăn trong đợt covid -19 vừa qua.

Đột phá trong giải quyết vấn đề khó, tạo ra những nội dung chưa có tiền lệ - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao những thành tích đạt được của ngành LĐ-TB&XH trong giai đoạn 2015 - 2020.

"Các phong trào thi đua đã được ngành LĐ-TB&XH tích cực hưởng ứng, trong đó phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo- Không ai bị bỏ lại phía sau" được thực hiện có hiệu quả thông qua chương trình  mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững do Bộ là cơ quan quản lý. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 9,2% từ đầu nhiệm kỳ hiện còn khoảng 3%, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao", Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang trong tình hình mới, đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Việc nước ta tham gia hàng loạt hiệp định tự do thương mại thế hệ mới cũng như cuộc cách mạng lần thứ 4 sẽ đem đến nhiều cơ hội, nhưng cũng tác động làm thay đổi quan hệ cung - cầu lao động, cơ cấu lao động cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến thâm dụng lao động, vấn đề già hóa dân số, tình hình thiên tai, bão lũ, dịch covid kéo dài… đã và đang tác động nghiêm trọng đến sản xuất, cuộc sống và sinh kế của người dân. "Điều này đặt ra yêu cầu cần phải thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, thu nhập và ổn định đời sống nhân dân cũng như tăng cường hỗ trợ xã hội", Phó Chủ tịch nước lưu ý.

Trước những vấn đề đó, Phó Chủ tịch nước yêu cầu, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục quán triệt và vận động sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Tham gia thực hiện có hiệu quả 4 phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng phát động.

Đột phá trong giải quyết vấn đề khó, tạo ra những nội dung chưa có tiền lệ - Ảnh 5.

Các đại biểu trao đổi tại đại hội.

Thực hiện nghiêm công tác đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua lựa chọn các cá nhân điển hình tiên tiến để tôn vinh khen thưởng kịp thời. Coi trọng và thực hiện đồng bộ việc tổng kết những điển hình tiên tiến để tạo sự lan tỏa trong ngành cũng như toàn xã hội. Kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động tham mưu Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp cũng như đội ngũ chuyên trách thi đua khen thưởng trong ngành.

Cần tăng cường xây dựng Đảng bộ Bộ LĐ-TB&XH trong sạch, vững mạnh. Phát huy vai trò hạt nhân của các tổ chức cơ sở Đảng, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và tích cực tham gia phong trào thi đua. Nâng cao chất lượng hiệu quả, xây dựng và thực hiện các chính sách người có công và xã hội trên quan điểm gắn kết tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, con người là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển.

Đột phá trong giải quyết vấn đề khó, tạo ra những nội dung chưa có tiền lệ - Ảnh 6.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Vụ Bảo hiểm xã hội.

Tổ chức thực hiện Bộ luật Lao động, đẩy mạnh chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đất nước phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Rà soát, quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp; phân luồng, liên thông trong giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững; phát triển thị trường lao động hiện đại.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công, đề xuất nâng mức trợ cấp ưu đãi người có công phù hợp điều kiện kinh tế đất nước, xử lý dứt điểm các tồn đọng xác nhận người có công… Hoàn thiện chính sách xã hội theo hướng tăng cường gắn kết xã hội, phát huy các giá trị văn hóa con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết; phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện tiến tới bao phủ toàn dân, phát triển hệ thống BHXH đa dạng, đa tầng hiện đại  và hội nhập quốc tế, mở rộng chính sách trợ giúp xã hội, các quyền trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, thúc đẩy bình đẳng giới, quan tâm phòng chống tệ nạn xã hội.

Đột phá trong giải quyết vấn đề khó, tạo ra những nội dung chưa có tiền lệ - Ảnh 7.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tặng Cờ thi đua của Chính phủ và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể và cá nhân.

Tại đại hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Ủy viên Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020 – 2025 trong toàn ngành.

Tại Đại hội, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Vụ Bảo Hiểm xã hội vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2015 đến 2019 góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 6 tập thể gồm: Vụ Pháp chế; Trường ĐH Lao động Xã hội; Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất; Bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng; Trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật; Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì vì đã hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ trong công tác dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2019. Tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân gồm: Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long; ông Phạm Trung Thông, Trưởng phòng phòng Thanh tra an toàn vệ sinh lao động Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH vì đã có thành tích trong công tác từ năm 2015 đến 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.