Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Gia Lai ban hành Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020

(Dân sinh) - UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 824/KH-UBND về đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020. Kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2020, dự toán nhu cầu 7 tỷ 563 triệu đồng để hỗ trợ đào tạo nghề cho 3.200 người.

Kế hoạch nhằm mục đích tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Gia Lai đến năm 2020", đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn (LĐNT) và yêu cầu của thị trường lao động.

Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất công nghệ cao và an sinh xã hội nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu LĐNT, thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Gia Lai ban hành Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020 - Ảnh 1.

Gia Lai ban hành Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020 (Ảnh minh họa)

Theo dangcongsan.vn, yêu cầu của kế hoạch nhằm đào tạo theo nhu cầu học nghề của LĐNT, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững.

Đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho LĐNT theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia các chương trình đào tạo phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và từng bước tiếp cận trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.

Cơ sở tham gia đào tạo nghề phải có đủ điều kiện, được hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không tổ chức đào tạo nghề khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học.

Chỉ tiêu đặt ra là đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 3.200 người, trong đó lao động là người dân tộc thiểu số chiếm ít nhất 80%; lao động nữ chiếm ít nhất 35%; tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt tối thiểu 80%.

Đối tượng học nghề bao gồm: người học là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm.

Kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2020, dự toán nhu cầu 7 tỷ 563 triệu đồng để hỗ trợ đào tạo cho 3.200 người đối với các nghề theo danh mục tại Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 12/5/2017 của UBND tỉnh, địa bàn. Ngoài kinh phí hỗ trợ của ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND các huyện, thị xã, thành phố trích ngân sách địa phương và các nguồn lực khác để đảm bảo kinh phí thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT năm 2020 trên địa bàn.