Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Giấc mơ an cư có gần hơn?

(Dân sinh) - Theo Bộ Xây dựng, giá bất động sản ở các phân khúc đã tăng khoảng gấp đôi so với 6, 7 năm trước, trong khi đó thu nhập của người dân không có mức tăng tương xứng, khiến "giấc mơ an cư" của rất nhiều gia đình ngày càng trở nên xa vời.

Trong khoảng thời gian đó, dù đã có nhiều biện pháp được Chính phủ, bộ, ngành và địa phương đưa ra nhưng chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.

Chính vì vậy mà Bộ Xây dựng đang đề xuất Chính phủ ban hành hàng loạt ưu đãi cho cả nhà đầu tư và người dân với mục đích kéo giảm giá nhà, đất.

Giấc mơ an cư có gần hơn? - Ảnh 1.

Giá bất động sản ở các phân khúc đã tăng khoảng gấp đôi so với 6, 7 năm trước, trong khi đó thu nhập của người dân không có mức tăng tương xứng

Theo Bộ Xây dựng, giá căn hộ hạng C từ 2015 - 2019 là từ 16 - 25 triệu đồng, tăng khoảng 80% so với thời điểm trước đó. Tuy nhiên, hiện trạng căn hộ hạng C dưới 25 triệu đồng/m2 gần như không có và ngay cả căn hộ dưới 30 triệu đồng cũng rất hiếm. Theo báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường, nếu như từ năm 2017 trở về trước căn hộ hạng B và hạng C là phân khúc dẫn dắt thị trường khi chiếm tới 70 - 80% tổng nguồn cung căn hộ thì đến năm 2018 - 2019 đã khan hiếm nguồn cung căn hộ hạng C và từ đầu năm 2020 đến nay đã gần như không có căn hộ bình dân ra thị trường nữa.

Không chỉ bất động sản ở các thành phố lớn, các vùng công nghiệp có nhiều cơ hội việc làm, mà ngay cả đất đai ở nhiều vùng nông thôn tăng giá vùn vụt, khi trào lưu homestay, farmstay phát triển mạnh thời gian gần đây.

Thực trạng giá nhà, đất cao quá tầm với của đa số người dân đã được đề cập từ nhiều năm nay. Không ít giải pháp đã được cơ quan hữu trách đưa ra với mục đích kéo giảm giá bất động sản. Nhưng thực tế cho thấy các giải pháp đó đều không hiệu quả, giá bất động sản vẫn tiếp tục leo thang, ngày một cao hơn, ngày càng xa với mức thu nhập thực tế của đa số người dân.

Thị trường bất động sản là thị trường có tính chất đặc biệt, Nhà nước có thể điều phối bằng các biện pháp quản lý, bao gồm cả các chính sách về tài chính. Các giải pháp nhằm kéo giảm giá nhà đất của Bộ Xây dựng đưa ra mới đây đáng chú ý có chủ trương gia tăng phát triển loại hình căn hộ có giá từ 20 triệu đồng/m2 trở xuống; quy định các dự án phải dành 30% diện tích đất để xây dựng nhà ở thương mại giá thấp, cùng hàng loạt ưu đãi cho nhà đầu tư.

So sánh với một số giải pháp từng được đưa ra trước đây, "chùm giải pháp" mà Bộ Xây dựng mới đề xuất về cơ bản không mới, không có đột phá. Theo một số người làm việc trong lĩnh vực bất động sản, ngay cả trong trường hợp khả quan nhất, là lượng nhà giá rẻ có tăng lên, thì với các hình thức phân phối như hiện nay, khi nhà đến tay người có nhu cầu thực sự, giá cũng không còn ở mức thấp. Đó là chưa nói đến chất lượng công trình.

Kinh nghiệm của nhiều nước về quản lý, điều tiết giá bất động sản, cho thấy các biện pháp về tài chính mới thực sự hiệu quả. Đó là giới hạn tỷ lệ tín dụng cho vay để đầu tư bất động sản và nhất là đánh thuế thật nặng vào những bất động sản thứ 2 trở lên mà một người đang sở hữu. Chỉ khi đó mới ngăn chặn được tình trạng đầu cơ và kéo được giá bất động sản trở về mức hợp lý. Tiếc là những giải pháp mang tính căn cơ này hiện chưa được cơ quan chức năng đưa ra.