Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Giữ nguồn nhân lực cho phục hồi kinh tế

(Dân sinh) - Những ngày qua, dòng người từ TP. HCM và các tỉnh Đông Nam bộ đổ về quê đã ngừng lại, khi có chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ "ai ở đâu thì ở yên đấy"! Chỉ còn những chuyến xe đưa số lượng ít người thực sự khó khăn trở về quê trong trật tự.

Chưa có con số thống kê chính xác về số người đã rời đi, nhưng chắc chắn là rất nhiều!

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc người dân trở về quê một cách tự phát - ngoài những cực nhọc, rủi ro cho chính bản thân và gia đình họ trên chặng hành trình có khi lên tới hơn ngàn cây số với phương tiện cá nhân, còn là những rủi ro cho cộng đồng, nơi họ đi qua và nhất là "điểm đến", tức quê hương của họ. Bởi chẳng khác nào đó là việc "xuất khẩu" dịch bệnh ra cả nước.

Giữ nguồn nhân lực cho phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Giữ nguồn nhân lực cho phục hồi kinh tế (Ảnh minh họa)

Là trung tâm kinh tế hàng đầu, TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai thu hút nhiều triệu người lao động đến từ mọi miền đất nước. Khi họ rời nơi làm ăn, sinh sống một cách tự phát thì mọi miền quê đều có thể bị lây lan dịch. Để xử lý chuyện này, hẳn cái giá phải trả sẽ rất lớn. Nói như TS Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: "Cho dù chi phí phòng chống dịch và bảo đảm an sinh của TP.HCM có bị tăng cao, tôi ước tính nó vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với việc để dịch bệnh lây lan khắp nơi. Đó là chưa nói tới rủi ro quốc gia sẽ không bao giờ có đủ nguồn lực để rải mành mành ra cả nước".

Cũng theo TS Dũng, giữ người dân ở lại thành phố lúc này cũng là giữ lại nguồn nhân lực để phục hồi kinh tế sau đại dịch. Nếu để hàng triệu người lao động rời bỏ trung tâm kinh tế này, chưa biết bao giờ họ mới quay trở lại. Trong lúc đó, sự phục hồi sản xuất phải được thúc đẩy tức thì ngay khi dịch lắng xuống, nếu Việt Nam không muốn bị cắt đứt hợp đồng, không muốn bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

TP.HCM nói riêng, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam rất cần lao động nhập cư - kể cả lao động phổ thông và lao động có kỹ năng. Thiếu họ, chắc hẳn đời sống kinh tế - xã hội ở khu vực này sẽ bị đảo lộn, gặp rất nhiều khó khăn, tiềm năng phát triển bị đặt trước thách thức vô cùng to lớn.

Nhưng ở chiều ngược lại, lao động nhập cư cần việc làm, chỗ ở. Ngay giữa lúc dịch bệnh đang hoành hành, muốn giữ được lực lượng lao động nhập cư, bên cạnh việc chăm lo về y tế, bảo đảm an sinh cho họ lúc này rất quan trọng, nhất là khi nhiều người đang cảm thấy quá sức chịu đựng.

TP HCM đang thực hiện song một số gói hỗ trợ của Chính phủ và của thành phố để giúp đỡ những người gặp khó khăn. Tuy nhiên, công cuộc phòng chống dịch còn diễn ra trường kỳ, nên cần một chương trình căn cơ, dài hơi hơn để mọi người có thể an tâm gắn bó với thành phố, cùng chung sức chống dịch, và chờ đến ngày dịch tan sẽ nhanh chóng quay trở lại làm việc.

Giữ được nguồn nhân lực cũng chính là góp phần hoàn thành "mục tiêu kép" mà Chính phủ đề ra.