Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII đã xác định đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, nhấn mạnh về nguồn lực con người, coi đó là động lực cốt yếu, là nội dung đột phá chiến lược để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là mục tiêu hướng đến năm 2045 đưa nước ta thành nước phát triển có thu nhập cao.

Góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII:  Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - Ảnh 1.

Mặt trận lấy ý kiến các tổ chức thành viên đóng góp vào Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Phát triển nguồn nhân lực thời đại 4.0

Tại hội nghị cán bộ Đoàn, Hội, Đội chủ chốt khu vực phía Nam góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, anh Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên Hiệp Thành niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao có lợi thế phát triển để tạo ra nguồn lực lớn hơn. Qua đó thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Quan tâm chính sách thu hút nhân tài, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời; chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhất là tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

GS. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, dự thảo văn kiện cần làm rõ các định hướng vừa được ban hành tới đây sẽ được triển khai thế nào, như Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng, Nghị quyết 52/NQ-TW của Trung ương hay Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng. "Trong phát triển kinh tế - xã hội vẫn vắng bóng con người. Dự thảo nói nhiều đến chất lượng nguồn nhân lực, nhưng không thấy tiêu chí cho từng con người" GS. Dong nói và cho rằng, nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số… đang đặt ra yêu cầu mới.

PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: "Cần tách ra một nội dung riêng về phát triển con người Việt Nam. Cần phân biệt nhân lực và nguồn nhân lực để có kế hoạch, chiến lược phát triển phù hợp".

Chính sách cho người lao động phải đồng bộ

PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần phải thêm tiêu chí "đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế", bởi nguồn nhân lực phải tiến đến tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Quản lý nhà nước đối với giáo dục hiện nay cần phải tập trung, không nên phân tán. Dự thảo cần ghi thêm: "Quản lý nhà nước, nhất là quản lý hệ thống các trường đại học, cao đẳng còn phân tán".

Ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kỳ vọng nghị quyết đi vào cuộc sống, bởi việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã nhiều lần được xác định là khâu đột phá, song đột phá còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Ông Tiêm lấy ví dụ, theo điều tra từ năm 2019, công nhân lao động cả nước ở trình độ tiểu học, trung học cơ sở còn hơn 30%; trung học phổ thông trở lên là 68%. Doanh nghiệp cố gắng tham gia đào tạo nghề cho công nhân nhưng mới dừng lại ở tỷ lệ 43%. Đặc biệt, về trình độ tay nghề, thợ bậc 4 đến bậc 7 còn rất khiêm tốn; công nhân bậc cao rất ít, hiếm. 5 năm qua, công nhân lao động học về tin học, ngoại ngữ chỉ chiếm chưa đến 10%. Mặt khác, điều kiện khoa học công nghệ chưa được đồng bộ, nên năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực, kéo theo thu nhập của người lao động ở mức thấp.

Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ Huỳnh Thái Nguyên cho rằng, cần quan tâm hơn nữa vai trò và sứ mệnh của giai cấp công nhân, có chính sách đặc thù, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước hơn nữa như: nhà ở, tiền công, tiền lương, tiền thưởng, chế độ bảo hiểm xã hội… phù hợp theo từng giai đoạn phát triển đất nước nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của công nhân. Đồng thời, đề nghị Trung ương có cơ chế, chính sách phù hợp trong việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm… đối với đội ngũ cán bộ trẻ, lực lượng lao động có tay nghề cao.

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, từ Đại hội XI, XII, chúng ta đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược là: thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng. Lần này, dự thảo văn kiện tiếp tục khẳng định rằng, thể chế là hành lang pháp lý; nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quyết định trong quá trình phát triển và gắn với đó là hạ tầng, kết cấu hạ tầng. Nhưng trong từng giai đoạn phát triển, phải xác định được nội hàm của từng khâu đột phá chiến lược đó.

Dự thảo các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII gồm: Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.