Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh: Kiến nghị xem xét giảm mức giãn cách xã hội

(Dân sinh) - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định tình hình được kiểm soát tốt và đề xuất đến 22/4, nếu không có ca mắc mới, Hà Nội được điều chỉnh ra khỏi nhóm các tỉnh thành có nguy cơ cao, giảm mức độ giãn cách xã hội. Tương tự, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng đề xuất như Hà Nội và kiến nghị Thủ tướng sớm có chỉ thị mới để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh phù hợp với thực tế.

Các bộ ngành đồng tình giảm mức độ giãn cách xã hội ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Chiều 20/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương để nghe báo cáo tình hình và tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid -19 trong thời gian tới.

Báo cáo Thủ tướng về tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid -19, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, tại ổ dịch Hạ Lôi, huyện Mê Linh TP đã tiếp tục khoanh vùng cách ly thôn Hạ Lôi theo quy định. TP cũng đã tiến hành xét 12.673 người ở xã Mê Linh; phát hiện 5 ca dương tính (từ trước tuần trước); 12.668 người âm tính.

Các trường hợp tiếp xúc gần F1 có 734 trường hợp tại ổ dịch Hạ Lôi, chỉ có 7 ca dương tính ở giai đoạn trước và 727 âm tính hiện nay đã cách ly tại các cơ sở tập trung theo đúng quy định; 1793 người liên quan đến chợ hoa Mê Linh đến thời điểm hiện nay đều âm tính.

Về ổ dịch tại thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội, đến nay 50 trường hợp F1 có kết quả xét nghiệm âm tính; 1.196 người trong tâm ổ dịch cũng có xét nghiệm âm tính...

Trong 2 ngày qua, Hà Nội cũng tổ chức lấy 1.064 mẫu là các trường hợp tiểu thương kinh doanh tại 5 chợ đầu mối trên địa bàn thành phố và tất cả các mẫu này đều có kết quả âm tính.

Từ đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, tình hình dịch bệnh Covid -19 trên địa bàn Thành phố đã được kiểm soát tốt; nguy cơ lây nhiễm ở cộng đồng đã giảm dần...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất, đến 22/4, nếu không có ca mới, các ổ dịch tiếp tục kiểm soát được Hà Nội thì Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Trung ương có thể nghiên cứu, giảm mức giãn cách xã hội ở Thủ đô; các biện pháp phòng chống dịch Covid -19 thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Y tế và các đơn vị liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể về việc đảm bảo an toàn tại các cơ quan, đơn vị, nhà máy, công trường, các loại hình kinh doanh khác được hoạt động để tại các địa phương thống nhất triển khai thực hiện.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng đề xuất tương tự như Hà Nội và kiến nghị Thủ tướng sớm có chỉ thị mới để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh phù hợp với thực tế.

Tại hội nghị, ý kiến của các bộ ngành cũng đồng tình với việc giảm mức độ giãn cách xã hội ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và tùy tình hình thực thế để gỡ bỏ dần các biện pháp giãn cách mạnh mẽ, trên tinh thần không chủ quan nhưng cũng sẵn sàng để phục hồi sản xuất kinh doanh...

Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh: Kiến nghị xem xét giảm mức giãn cách xã hội - Ảnh 1.

Từng bước nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, Thủ tướng nhắc lại, không được lơ là, chủ quan, thỏa mãn.

Từng bước nới lỏng, khôi phục các hoạt động, nhưng không được chủ quan

Thủ tướng đánh giá cao các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, Ban Chỉ đạo quốc gia đã huy động trí tuệ của các chuyên gia, tham khảo nhiều ý kiến khác nhau để đưa ra chủ trương, biện pháp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và xử lý các vấn đề cụ thể.

Thủ tướng nhìn nhận, tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn so với phiên họp trước, cần phải nới lỏng từng bước nhưng phải có kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường mà dịch bệnh có thể quay lại.

Tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4 cho đến khi có chỉ đạo mới, dự kiến sẽ được đưa ra trong cuộc họp ngày 22/4. Tại cuộc họp tới, các nhóm địa phương nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp cũng sẽ được xem xét để điều chỉnh. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia báo cáo Thủ tướng về các nhóm nguy cơ này tại cuộc họp 22/4 để “chốt” lại. Nếu tình hình an toàn thì nhiều địa phương có thể được hạ thấp nguy cơ.

Thủ tướng lưu ý, khả năng lây nhiễm vẫn còn cao, tất cả các địa phương, hệ thống chính trị cũng như người dân vẫn phải tiếp tục kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch là phát hiện, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả.

Từng bước nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, Thủ tướng nhắc lại, không được lơ là, chủ quan, thỏa mãn.

Việc thực hiện biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 là đúng đắn, là giải pháp quan trọng trong ngăn ngừa dịch bệnh thời gian qua nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cấp bách.

Các biện pháp như đeo khẩu trang nơi công cộng, không tập trung đông người khi không thật sự cần thiết, rửa tay thường xuyên… vẫn phải tiếp tục thực hiện.

Về các kiến nghị của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế sửa đổi Nghị quyết số 20/NQ-CP về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 (theo hướng tăng cường xuất khẩu trên cơ sở chúng ta đã có cơ số dự trữ cần thiết).

Thủ tướng nhất trí việc tiếp tục giao nhiệm vụ cho Tổ 4 người (gồm Thứ trưởng các Bộ: Y tế, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Quốc phòng) phối hợp quyết định cho phép các chuyến bay đơn lẻ đón người về Việt Nam, trên cơ sở diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam, khả năng tổ chức tiếp nhận, cách ly và tổ chức các chuyến bay.

Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xác định cấp độ nguy cơ cụ thể của từng huyện, xã, thậm chí thôn, bản, khu vực dân cư địa phương và có hình thức áp dụng các biện pháp phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh tại địa phương.