Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hải Dương: Hơn 6.000 tỷ đồng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm triển khai các chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm, xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ tiền điện… Tổng kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 là hơn 6.000 tỷ đồng.

Toàn tỉnh đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 198.095 lượt người nghèo, 259.742 lượt người cận nghèo; hỗ trợ xây nhà ở cho 760 hộ nghèo; Ủy ban MTTQ và các đoàn thể hỗ trợ xây, sửa nhà cho 1.264 người nghèo. 15.831 lượt người nghèo, 14.940 lượt người cận nghèo được vay vốn. 1.670 lượt người nghèo được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. 140.497 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện... 

Hải Dương: Hơn 6.000 tỷ đồng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Nhiều gia đình vay vốn ưu đãi từ ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế.

Đến nay, 100% số hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng chính sách kịp thời và được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm dần qua từng năm, từ 7,19% năm 2015 xuống ước còn 1,36% năm 2020, giảm trung bình 1,17%/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Cùng với công tác giảm nghèo, các chính sách trợ giúp xã hội đối với người thuộc diện bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đến nay, các đối tượng đã được hưởng trợ cấp ưu đãi theo quy định. Các chương trình, kế hoạch, dự án, đề án của tỉnh… được triển khai hiệu quả như kế hoạch trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2013-2020, kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2011-2020, kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. 

Kế hoạch thực hiện chương trình hành động quốc gia người cao tuổi tỉnh Hải Dương giai đoạn 2013-2020... Việc tiếp nhận, nuôi dưỡng, quản lý, chăm sóc sức khỏe cho đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội được thực hiện hiệu quả.

Thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề cho 18.184 lao động nông thôn; 16.009 lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 55% năm 2015 lên 75% năm 2020. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh giải quyết và tạo việc làm cho 182.523 lao động, vượt 4,6% kế hoạch; xuất khẩu được 23.014 lao động, vượt 12,2% kế hoạch.

Thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh đã hỗ trợ kịp thời các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đến hết ngày 9.10, toàn tỉnh đã cơ bản chi trả xong hơn 199,9 tỷ đồng cho 161.985 người thuộc nhóm đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo và đã phê duyệt danh sách hỗ trợ hơn 7,6 tỷ đồng cho 7.644 người không có giao kết hợp đồng...

Việc triển khai hiệu quả các giải pháp đã góp phần tạo ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thu nhập của người dân tăng lên hằng năm, năm2020 thu nhập bình quân ước đạt 4,39 triệu đồng/tháng (tăng 1,4 triệu đồng/tháng với năm 2015). Các chỉ tiêu cơ bản về thu nhập, nhà ở và phương tiện sinh hoạt phục vụ đời sống người dân hằng năm đều tăng.

Kết quả trên nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền cùng quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể, sự chung tay giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và sự đồng lòng của nhân dân trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện.