Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hiệu quả mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng ở Đà Nẵng

(Dân sinh) - Không bị cách ly khỏi xã hội, mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng giúp người cai nghiện giảm được sự mặc cảm, tự ti khi vẫn có thể học tập, lao động, đặc biệt với sự kèm cặp, động viên, hỗ trợ từ phía gia đình, chính quyền địa phương đã giúp nhiều người ở Đà Nẵng quyết tâm từ bỏ ma tuý.

Một buổi tuyên truyền về phòng, chống ma túy do Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng tổ chức.

Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng tổ chức tuyên truyền về phòng, chống ma túy

Có công ăn việc làm ổn định, N.H. V. (phường Hoà Thuận Đông, quận Hải Châu, Đà Nẵng) vẫn dành thời gian tham gia các buổi sinh hoạt, tuyên truyền về phòng, chống ma tuý cho thanh thiếu niên được tổ chức. Nói về khoảng thời gian khó khăn của mình, V. kể "Ngày ấy nghe bạn bè rủ rê nên em chỉ nghĩ thử để cho biết, rồi nghiện ma tuý lúc nào không hay. Gia đình, bản thân em đều suy sụp nhưng chính nhờ có sự động viên của người thân, gia đình, các cô chú ở địa phương phân tích thiệt hơn, em đã biết mình sai và quyết tâm từ bỏ, lao động thật tốt để trở thành người có ích với gia đình".

Cũng như V., P. C. C. (quận Cẩm Lệ) sau khi được hỗ trợ cai nghiện thành công, C. đã được địa phương giới thiệu việc làm, ổn định cuộc sống, tránh xa bạn bè xấu. Đây chỉ là một số trong rất nhiều trường hợp cai nghiện thành công từ mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đang được TP Đà Nẵng triển khai đồng bộ trên toàn thành phố.

Theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng, hiện 100% xã, phường trên địa bàn thành phố đều có tổ công tác cai nghiện ma túy để thực hiện việc tiếp nhận, lập hồ sơ, tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và phân công thành viên theo dõi, quản lý, đánh giá định kỳ.

Mô hình cai nghiện này được triển khai với 2 hình thức: cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng. Với thời gian cai nghiện từ 3 đến 6 tháng, để tổ chức tốt công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, TP Đà Nẵng đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực cho các đơn vị, Trung tâm Y tế quận, huyện phục vụ cắt cơn giải độc cho các đối tượng. Thành phố cũng có chính sách hỗ trợ chi phí khám sức khỏe, xét nghiệm phát hiện chất ma túy, các xét nghiệm khác và tiền thuốc cắt cơn nghiện cho người cai nghiện. Người cai nghiện còn được chính quyền địa phương phân công người kèm cặp, giúp đỡ xuyên suốt thời gian cai nghiện. Các địa phương còn tìm hiểu hoàn cảnh của từng trường hợp để hỗ trợ vay vốn, giới thiệu tạo việc làm nhằm giúp họ hoàn thành tốt chương trình cai nghiện.

Không chỉ mang tính nhân văn, theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng, mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng còn mang lại hiệu quả rõ rệt khi thời gian cai nghiện ngắn hơn và sau khi hoàn thành không mất thêm thời gian để quản lý sau cai. Trong khi đó, chi phí tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng thường thấp hơn nhiều so với cai nghiện tập trung, góp phần giảm tải tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng.

Thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, đến nay các địa phương trên địa bàn thành phố đã lập hồ sơ đưa vào cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho hơn 840 người. Trong đó, có 414/841 người cai nghiện tự nguyện (đạt tỷ lệ 49,2%); có 427/841 người cai nghiện bắt buộc (chiếm tỷ lệ 50,8%). Số người hoàn thành chương trình cai nghiện với thời gian 3 tháng là 678/841 người, đạt tỷ lệ 80,6%; số tái nghiện trong thời gian cai nghiện là 163/841 người, chiếm tỷ lệ 19,4%; 46 người đang cai nghiện. Đặc biệt, với phương châm "Đến từng nhà, rà từng đối tượng", gặp mặt gia đình và đối tượng để nắm bắt nguyên nhân, tâm tư, nguyện vọng nhằm có cách thức giáo dục, giúp đỡ phù hợp, nhiều thanh thiếu niên đã lỡ "trót dại" với ma túy ở Đà Nẵng đã nhận ra con đường sai trái và quyết tâm từ bỏ. Nhiều người đã được thành phố hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm…

Ở những địa bàn nóng về ma tuý, từ những cách thức giáo dục, giúp đỡ phù hợp, các địa phương đã tổ chức các đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh thiếu nên về phòng chống ma túy, hậu quả và tác hại mà ma túy gây ra; hướng dẫn phương pháp cai nghiện ma túy hiệu quả, phương pháp phòng, chống tái nghiện như tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp gỡ, tạo sự gần gũi để giúp đỡ người nghiện… nhiều thanh thiếu niên đã vượt qua được sự mặc cảm, tự ti, thuận theo sự giúp đỡ và quyết tâm từ bỏ ma túy thành công. Trong đó, có thể kể đến như Câu lạc bộ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng ở phường Tam Thuận (quận Thanh Khê), Câu lạc bộ Nhân ái của Đoàn thanh niên phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ)…

Hiệu quả từ mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, tuy nhiên theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng, việc triển khai mô hình này ở một số địa phương trên địa bàn thành phố vẫn còn gặp khó khăn, bất cập khi chưa được sự quan tâm đúng mức, nhất là công tác dự phòng nghiện. Bên cạnh đó, cơ sở cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn, điều trị nghiện tại cộng đồng chưa phát triển đồng bộ nên việc tiếp cận các dịch vụ còn hạn chế. Trong khi đó, người nghiện ma túy, gia đình người nghiện chưa tự giác khai báo tình trạng nghiện nên công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng còn nhiều khó khăn bởi phần lớn gia đình còn tâm lý che giấu, né tránh, chưa sẵn sàng phối hợp với chính quyền địa phương vận động, khuyến khích con em mình thực hiện cai nghiện. Cán bộ phụ trách phòng, chống tệ nạn xã hội ở các xã, phường hoạt động kiêm nhiệm, thay đổi công tác nhiều cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác theo dõi, hỗ trợ, quản lý người nghiện.

Được biết, thực hiện mục tiêu "Không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng" theo Quyết định số 6111/QĐ-UBND ngày 7/9/2016 của UBND thành phố, hằng năm, bình quân toàn TP Đà Nẵng tổ chức cai nghiện cho 750 lượt người nghiện. Từ năm 2000 đến nay, thành phố đã quản lý, cai nghiện 16.809 lượt người (trong đó, cai nghiện bắt buộc 14.405 lượt người, cai nghiện tự nguyện 2.404 lượt người). Trên địa bàn thành phố hiện đang quản lý 1.366 người (617 học viên đang cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, 703 người đang quản quản lý sau cai, 46 người đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng).