Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hiệu quả từ nguồn lực phòng chống lao tại cơ sở

Cùng với nguồn lực, nhân lực Nhà nước trong thời gian qua sự tham gia, hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, cá nhân vào công tác phòng chống Lao đã góp phần đáng kể giảm số bệnh nhân Lao. Đặc biệt, thông qua những hoạt động của dự án, sự tham gia tích cực của nhóm cộng đồng đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh Lao.

Hàng chục nghìn bệnh nhân Lao “thoát” cửa tử

Lao hiện không phải là căn bệnh đáng sợ song nếu không được sàng lọc và kịp thời điều trị sẽ để lại những hậu quả rất khôn lường. Theo thống kê Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao và là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Trước thực trạng này, trong thời gian qua cùng với nguồn lực của Nhà nước, địa phương nhiều địa phương đã triển khai những mô hình, Câu lạc bộ phòng chống Lao tại cộng đồng. Đơn cử như Bắc Giang, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 311 về "Kiện toàn Tổ chống lao Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang". Cùng với đó, lựa chọn và chỉ đạo Hội Nông dân các huyện Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam thành lập 03 mô hình “Nông dân phòng chống lao” cấp huyện và 30 mô hình “Quản lý lao tiềm ẩn cấp xã”.

Ngay sau khi Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh ban hành Quyết định, tổ chống lao Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tổ chức 08 lớp tập huấn cho 240 cán bộ, hội viên nông dân các cấp về kiến thức phòng, chống lao; Phối hợp tổ chức 15 hội nghị truyền thông về lao tiềm ẩn trong cộng đồng cho trên 800 hội viên nông dân. Tổ chức 05 cuộc giám sát và thu thập dữ liệu lao tiềm ẩn đối với các huyện; 37 buổi kiểm tra và giám sát các mô hình. Đáng chú ý, Hội Nông dân cấp huyện và cơ sở đã tổ chức các hoạt động thăm khám tại nhà cho 1.120 bệnh nhân lao, khuyến khích 600 lượt người nhà tiếp xúc với bệnh nhân lao tham gia sàng lọc lao tiềm ẩn, tuân thủ điều trị lao tiềm ẩn, đồng thời lập danh sách và thưởng cho 76 cộng tác viên có bệnh nhân lao điều trị thành công.

Tương tự tại tỉnh Quảng Nam, trong năm 2022, mô hình “Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao; tư vấn hỗ trợ người mắc lao điều trị theo DOTS” của Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đã tư vấn, giúp đỡ 619 người tìm hiểu vệ bệnh lao, vận động 280 người nghi mắc lao đi khám và phát hiện 27 ca mắc lao mới. Theo thống kê hiện nay toàn tỉnh có 1032 bệnh nhân lao, trong đó lao phổi là 869 bệnh nhân, chiếm tỷ lệ 84,2%; ngoài phổi 163 người, chiếm tỷ lệ 15,8%; lao trẻ em 12 người và lao kháng thuốc 12 người. 

Chị Kso Duyên tư vấn hỗ trợ bệnh nhân Lao tuân thủ đúng phác đồ điều trị tại nhà.

Chị Kso Duyên tư vấn hỗ trợ bệnh nhân Lao tuân thủ đúng phác đồ điều trị tại nhà.

Những bông hoa đẹp chống Lao

Cùng với sự vào cuộc của các câp Hội, ở nhiều địa phương với sự hỗ trợ, giúp sức từ các tổ chức xã hội, cá nhân cộng đồng đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về bệnh Lao.

Vốn trải quả 2 lần tái Lao, anh Chu Thái Sơn, Hải Dương rất thấm thía nỗi khổ vì bệnh Lao chính vì vậy, năm 2014, khi anh biết được thông tin BS Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) thành lập mạng lưới cộng đồng nhằm chung tay đẩy lùi bệnh Lao trong cộng đồng. Không ngần ngại ngay lập tức Sơn tham gia vào mạng lưới. Đến nay sau gần 10 năm tham gia với hoạt động chống Lao anh Sơn đã trở thành cánh tay nối dài trong việc hỗ trợ những bệnh nhân mắc Lao được khám sàng lọc và điều trị triệt để bệnh Lao. Đặc biệt, trong 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, trong hoàn cảnh khắc nghiệt anh Sơn vẫn không từ bỏ công việc của mình. Rất nhiều người đã được anh tư vấn kịp thời đi sàng lọc Lao chủ động để điều trị tránh lây lan cho gia đình và cộng đồng. Điển hình như trường hợp ông N.V.T ở TP Hải Dương dù trải qua một thời gian dài bị ho và mệt mỏi thế nhưng ông cũng không nghĩ mình mắc bệnh Lao vì thế dù có thẻ BHYT, nhà có điều kiện song ông không đi khám bệnh. Chỉ đến khi được anh Sơn tư vấn ông T mới đồng ý đi chụp Xquang phổi và xét lấy đờm ( xét nghiệm Acid Fast Bacillus, viết tắt là AFB).

“Nhận kết quả dương tính với Lao tôi suy sụp sống khép mình nhất quyết không chịu đi điều trị. Song khi nghe anh Sơn tư vấn, chia sẻ về bệnh Lao tôi chợt nhận Lao không phải là căn bệnh đáng sợ. Cũng nhờ sự tư vấn nhiệt tình, tôi đã trải qua 6 tháng điều trị lao thành công, giờ sức khỏe hoàn toàn khỏe mạnh không làm lây bệnh cho gia đình và cộng đồng”, ông T chia sẻ.

Ông T chỉ là một trong số những người được anh Sơn tư vấn, hỗ trợ trong gần 10 năm qua nhóm Niềm tin HD do anh là trưởng nhóm đã luôn tích cực, đi đầu trong công tác vận động, tư vấn và hỗ trợ bệnh nhân khám sàng lọc và điều trị bệnh hiệu quả.

Cũng giống như anh Sơn, chị Kso Duyên – Cộng tác viên của mạng lưới CSET phòng chống lao của xã IaMlah, huyện Krông Pa, Gia Lai đăng ký tham gia vào nhóm cộng đồng chỉ với một tâm niệm làm sao giúp đỡ được thật nhiều bà con của mình. Công việc vất vả nhưng tiền thù lao hỗ trợ thấp chỉ 590.000 đồng/tháng nhưng chưa một ngày chị muốn từ bỏ. “ Là người bản địa, biết được nỗi cơ cực của bà con khi có bệnh nhất là bệnh Lao nên tôi quyết tâm tham gia dù số tiền hỗ trợ không đủ chi phí đi lại. Nhìn thấy bà con của mình kịp thời khám sàng lọc và điều trị bệnh Lao thành công với tôi đã là món quà rồi”, chị Kso Duyên giãi bày

Không chỉ hàng ngày tuyên truyền cho bà con, chị Kso Duyên còn tận tình hỗ trợ chở bà con đưa lên  Trung tâm y tế huyện vừa hướng dẫn và đưa bà con đi khám, điều trị...Mặc dù công việc cũng vất vả nhưng tôi vẫn thấy vui và cảm thấy mình đang góp sức nhỏ bé của mình vào công tác chống lao của địa phương. Với sự nỗ lực nhiệt tình của chị, rất nhiều người trong buôn đã đi xét nghiệm chủ động bệnh Lao nhờ đó đã hạn chế được nguồn lây cho cộng đồng.