Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để “không thể, không dám tham nhũng”

(Dân sinh) - Chủ tịch Quốc hội nhất trí cần tăng cường kiểm soát quyền lực, chống lợi ích nhóm ngay từ khâu soạn thảo các dự án luật. Ông khẳng định, hệ thống pháp luật phải tiếp tục hoàn thiện để cá nhân, tổ chức “không thể, không muốn và không dám tham nhũng”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri quận Lê Chân (TP. Hải Phòng).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri quận Lê Chân (TP. Hải Phòng).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng sáng 14/5 tiếp xúc cử tri Quận Lê Chân, TP. Hải Phòng trước Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khoá XV.

Khắc phục những bất cập trong pháp luật về đấu thầu, đấu giá

Sau khi nghe đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng thông báo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khoá XV và tình hìh kinh tế - xã hội của đất nước những tháng đầu năm 2022, cử tri Quận Lê Chân đánh giá cao những kết quả mà đất nước đã đạt được trong quý 1 năm 2022.

Tình hình kinh tế - xã hội đã phục hồi và đạt nhiều kết quả khởi sắc toàn diện trên các lĩnh vực. 

Cử tri Phạm Tiến Du, Vũ Đình Thắng (phường Trần Nguyên Hãn) đánh giá cao hoạt động của Quốc hội Khoá XV. "Có thể nói các Nghị quyết và quyết sách của Quốc hội trong thời gian vừa qua đã đáp ứng được niềm tin, sự mong đợi của nhân dân, của các nhà đầu tư, doanh nghiệp", ông Phạm Tiến Du nhấn mạnh. 

Trao đổi với cử tri quận, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới hơn nữa, tăng cường tính dân chủ, tính pháp quyền

Trao đổi với cử tri quận, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới hơn nữa, tăng cường tính dân chủ, tính pháp quyền

Bên cạnh đó, cử tri Quận Lê Chân cũng nêu một số kiến nghị cụ thể liên quan đến công tác xây dựng pháp luật nói chung và hoàn thiện pháp luật về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nói riêng; chấn chỉnh "căn bệnh" trầm kha về giải ngân đầu tư công chậm... 

Cử tri mong muốn, Quốc hội tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng các văn bản pháp luật, bảo đảm luật có sức sống lâu dài, ổn định;

Tăng cường giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, kiên quyết không để tình trạng chậm, nợ ban hành như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhấn mạnh tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, tiến tới chấm dứt tình trạng “lách luật” trong đời sống xã hội hiện nay.

Theo cử tri Lê Hữu Đài, cần có cơ quan chuyên trách của Quốc hội về soạn thảo các văn bản luật để khắc phục tình trạng cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ ngay trong quá trình soạn thảo.

Cử tri Quận Lê Chân cũng đề nghị Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật thật chặt chẽ, nghiêm minh, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước hiệu quả, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, ngăn ngừa vi phạm, để các tập thể, cá nhân “không thể, không muốn, không dám tham nhũng”;

Rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, thể chế kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tổ chức.

Nhiều kiến nghị được cử tri Quận Lê Chân gửi đến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng

Nhiều kiến nghị được cử tri Quận Lê Chân gửi đến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng

Cùng với đó là, khắc phục những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính chứng khoán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thanh tra, thực hành dân chủ xã phường thị trấn, tiếp công dân...

Cử tri Nguyễn Xuân Tùng (Trưởng phòng Kinh tế Quận Lê Chân) kiến nghị Quốc hội xem xét sửa Luật Đấu thầu, nhằm điều chỉnh một số bất cập như: yêu cầu tỷ lệ đặt cọc tương xứng so với giá trị Hợp đồng để ngăn chặn tình trạng bỏ thầu; minh bạch trong quy trình công bố Hồ sơ mời thầu, chào thầu trên mạng đấu thầu quốc gia để nhân dân có thể giám sát;

Cùng với đó bổ sung quy định, chế tài xử lý đối với các cơ quan có thẩm quyền buông lỏng kiểm tra trong triển khai, thực hiện, giám sát...

Trao đổi với cử tri quận Lê Chân, TP. Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới hơn nữa, tăng cường tính dân chủ, tính pháp quyền, tính chủ động từ sớm, từ xa và thích ứng linh hoạt với điều kiện thực tế.

Chủ tịch Quốc hội nhất trí cần tăng cường kiểm soát quyền lực, chống lợi ích nhóm ngay từ khâu soạn thảo các dự án luật. 

4

 

Bảo đảm “tuổi thọ” lâu dài của luật

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong hai năm qua, các “gói” chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, phục hồi, kích thích nền kinh tế đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành, triển khai thực hiện có quy mô trên 8,43% tổng DGP – cao gần gấp đôi so với các nước có cùng điều kiện, nhưng quan trọng hơn là chúng ta vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức thấp. 

Chia sẻ ý kiến của các cử tri về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, bảo đảm “tuổi thọ” lâu dài của luật, có cơ chế hiệu quả hơn nữa để kiểm soát quyền lực, chống lợi ích nhóm ngay trong quá trình soạn thảo luật, ông Vương Đình Huệ nêu rõ, nhiệm kỳ Khoá XV là nhiệm kỳ đầu tiên Đảng đoàn Quốc hội đã rà soát, xây dựng và trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ Khoá XV và Đề án về định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ Khoá XV.

Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kế hoạch chi tiết để chủ động triển khai thực hiện, có dự án đến năm 2025 mới trình Quốc hội xem xét nhưng hiện đã giao rõ cho các cơ quan chủ trì tiến hành nghiên cứu, soạn thảo.  

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, vừa qua, Trung ương đã chỉ đạo, triển khai xây dựng và đang khẩn trương hoàn thiện Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, trong đó có Đề án “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”. 

Chủ tịch Quốc hội nhất trí cần tăng cường kiểm soát quyền lực, chống lợi ích nhóm ngay từ khâu soạn thảo các dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội nhất trí cần tăng cường kiểm soát quyền lực, chống lợi ích nhóm ngay từ khâu soạn thảo các dự án luật.

"Đây là những giải pháp vừa ngắn hạn vừa dài hạn, căn cơ để nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật, nâng cao hơn nữa chất lượng luật pháp cả về hình thức thể hiện và nội dung, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và hiệu quả của hệ thống pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, hệ thống pháp luật phải tiếp tục hoàn thiện để cá nhân, tổ chức “không thể, không muốn và không dám tham nhũng”.

Trong đó, "không thể thì hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, không có sơ hở. Không muốn thì chế độ, chính sách đãi ngộ, tiền lương phải thoả đáng. Không dám thì chế tài phải đủ mạnh, tính răn đe, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm. Tại Hội nghị Trung ương vừa qua đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này", ông Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật trong thời gian gần đây đã có những chuyển biến tích cực, số lượng văn bản hướng dẫn bị nợ đọng đã giảm rất nhiều nhưng "vẫn phải cố gắng hơn nữa". 

Song song với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ điểm yếu vừa qua là khâu tổ chức thực thi pháp luật, do đó, lần này, công tác hướng dẫn, tổ chức, triển khai thực thi pháp luật được đặc biệt chú trọng. 

Để bảo đảm văn bản hướng dẫn phải bám sát quy định của Luật, khắc phục tình trạng văn bản dưới luật chồng chéo, mâu thuẫn, Quốc hội sẽ tăng cường giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật.

"Trước đây chủ yếu giám sát về thời hạn ban hành có đáp ứng yêu cầu của luật hay không, bây giờ sẽ tập trung giám sát cả nội dung, chất lượng của các văn bản hướng dẫn", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng hướng dẫn, yêu cầu Hội đồng Nhân dân các địa phương cũng phải có chương trình xây dựng nghị quyết 5 năm, không "ăn đong", không chờ UBND trình cái gì xem xét cái đó, đồng thời, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương. 

6

Đề cập đến Luật Đất đai sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vừa qua, Trung ương đã ban hành Nghị quyết mới về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao",  tập trung vào 6 lĩnh vực. 

Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn và nhất trí trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Đất đai theo đúng tinh thần Nghị quyết mới của Trung ương và có thể trình Quốc hội xem xét theo quy trình tại 3 Kỳ họp để bảo đảm chất lượng tốt nhất, đáp ứng yêu cầu của Trung ương và thực tiễn cuộc sống đặt ra.

Trong quá trình đó, phải xây dựng đồng bộ các nghị định hướng dẫn thi hành Luật để Luật ban hành thực thi được ngay. 

Đổi mới dạy và học lịch sử: Dân ta phải biết sử ta

Chia sẻ băn khoăn, lo ngại của cử tri về việc đưa lịch sử thành môn học lựa chọn đối với bậc học THPT, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Văn hoá, Giáo dục chủ động tổ chức, nghiên cứu, tham vấn ý kiến chuyên gia về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề nghị của cử tri quận Lê Chân về việc phải đổi mới cách thức dạy và học lịch sử nhằm bảo đảm “dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

"Đây là vấn đề rất lớn, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đang làm việc rất tích cực. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ cũng sẽ có báo cáo về vấn đề này để tiếp tục rà soát, đánh giá, nghiên cứu, bởi việc học, hiểu rõ về lịch sử có ý nghĩa hệ trọng đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Về đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội cho biết, phân bổ vốn đầu tư công quá chậm, đến nay vẫn còn đến 11 bộ, ngành và 3 địa phương chưa phân bổ vốn đầu tư công; 3 tháng đầu năm mới giải ngân được khoảng 11%.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê bình việc này. Mấu chốt là do khâu chuẩn bị đầu tư còn yếu, không kỹ lưỡng, chưa đáp ứng yêu cầu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Vừa qua Thủ tướng đã thành lập 6 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát tại các địa phương. Đây cũng sẽ là một nội dung trọng tâm được xem xét trong chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vì “chúng ta có tiền mà không tiêu được thì lãng phí rất lớn”.

Chủ tịch Quốc hội hy vọng, với sự nỗ lực của cả Quốc hội và Chính phủ sẽ tạo chuyển biến trong công tác này.