Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hơn 626,61 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2

Đến sáng 10/10, thế giới có trên 626,61 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,56 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này. Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 98,54 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,087 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.

Theo Worldometers, đến sáng 10/10, thế giới có trên 626,61 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,56 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 98,54 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,087 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong 5 tuần triển khai tiêm mũi tăng cường, khoảng 11,5 triệu người đã tiêm mũi tăng cường, trong đó riêng tuần vừa qua là 3,9 triệu người.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 9/10, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,61 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm 528.800 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 155.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 35,86 triệu người nhiễm bệnh. Ngày 9/10, Pháp ghi nhận 42.626 ca mắc COVID-19 mới.

Brazil có số ca mắc COVID-19 cao thứ tư thế giới với trên 34,76 người và số bệnh nhân vì căn bệnh này cao thứ hai toàn cầu, chỉ sau Mỹ với gần 686.900 trường hợp.

Mỹ mong muốn tăng tốc chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường. (Ảnh: AP)

Mỹ mong muốn tăng tốc chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường. (Ảnh: AP)

 

Canada đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 được điều chỉnh của hãng Pfizer-BioNTech làm mũi tăng cường chống lại các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron.

Vaccine tăng cường của Pfizer-BioNTech, hiện được cấp phép sử dụng cho người trên 12 tuổi, là loại vaccine tăng cường thứ 2 được Bộ Y tế Canada phê duyệt. Tháng 9, Bộ Y tế Canada đã "bật đèn xanh" cho vaccine được điều chỉnh của hãng Moderna làm mũi tăng cường ngừa COVID-19 cho người trên 18 tuổi. Cả hai vaccine này đều có hiệu quả chống lại biến thể Omicron và các dòng phụ của biến thể này gồm BA.4 và BA.5.

Trước đó, vào tháng 8, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đã cấp phép sử dụng 2 loại vaccine cập nhật của Pfizer-BioNTech và Moderna làm mũi tăng cường ngừa COVID-19. Các cơ quan quản lý ở Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản cũng đã phê duyệt vaccine cập nhật của Pfizer-BioNTech.

BioNTech, một trong hai công ty dược phẩm sở hữu công nghệ mRNA hàng đầu thế giới, và chính quyền bang Victoria (Australia) vào ngày 7/10 thông báo hoàn tất ký kết thỏa thuận hợp tác về nguyên tắc cho việc thành lập một cơ sở sản xuất vaccine mRNA quy mô phòng khám (clinic) tại thành phố Melbourne (bang Victoria) của Australia.

Cơ sở này có diện tích bằng một container vận chuyển, được sử dụng để nghiên cứu về phân tử axit ribonucleic, hay còn gọi là mRNA, từ đó tạo ra các loại vaccine sử dụng công nghệ liệu pháp mRNA dùng cho mục đích thử nghiệm lâm sàng. Ngoài ra, thỏa thuận cũng bao gồm cả việc thiết lập các cơ sở sản xuất mRNA ở thành phố Melbourne, dựa trên thiết kế mô đun của BioNTech.

Tại Nam Mỹ, Bộ Y tế Panama mới đây thông báo sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi vào ngày 10/10. Trong thông cáo chính thức, Bộ Y tế Panama cho biết đã nhận được 150.000 liều vaccine ngừa COVID-19 từ hãng dược phẩm Mỹ Pfizer hôm 5/10.

Kể từ tháng 1/2022, Panama đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em từ 5 tới 11 tuổi. Tính đến ngày 1/10, Panama đã triển khai tiêm tổng cộng 8,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 471.073 liều cho trẻ em.

Nhật Bản lo ngại làn sóng dịch lần thứ 8 ở nước này có thể xảy ra trong tương lai. (Ảnh: AP)

Nhật Bản lo ngại làn sóng dịch lần thứ 8 ở nước này có thể xảy ra trong tương lai. (Ảnh: AP)

 

Chính phủ Indonesia đã thúc giục người dân tham gia chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường, nhằm kết thúc đại dịch COVID-19. Chính phủ Indonesia nhấn mạnh, việc tiêm chủng vaccine liều nhắc lại là một trong những yếu tố chính để hỗ trợ quá trình chuyển đổi kết thúc đại dịch COVID-19. Theo cơ quan chức năng Indonesia, bên cạnh việc tiêm vaccine, người dân cũng cần tiếp tục tuân thủ việc đeo khẩu trang, rửa tay và duy trì khoảng cách.

Vaccine phòng COVID-19 dành cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi và loại đặc hiệu đối với biến chủng BA.5 đã được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt. Trong bối cảnh làn sóng dịch lần thứ 8 tại Nhật Bản có thể xảy ra trong tương lai, các chuyên gia cho rằng tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa vô cùng quan trọng.

Theo Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản, năm 2022 đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong do COVID-19 là trẻ em khỏe mạnh dưới 4 tuổi. Mặc dù nhiều trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ, tuy nhiên cũng có trường hợp trẻ không có bệnh nền nhưng vẫn bị biến chứng nặng sau khi mắc COVID-19 và những trường hợp này thường tập trung nhiều ở trẻ nhỏ tuổi. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng quan ngại về trường hợp xuất hiện các bệnh về não cấp tính sau khi mắc COVID-19 và tình trạng này có thể tăng lên cùng với số trẻ mắc COVID-19 gia tăng. Bệnh về não cấp tính có thể là nguyên nhân gây ra tử vong hoặc di chứng sau này cho trẻ.