Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hơn 86 nghìn tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội cho 56 triệu lượt người

(Dân sinh) - Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7 do Ủy ban Xã hội - Quốc hội khoá XV tổ chức tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, từ năm 2021 đến nay, Trung ương và các địa phương đã dành hơn 86 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho 56 triệu lượt người dân, người lao động và khoảng 730 nghìn lượt người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Từ ngày 28 - 30/9, tại TP.HCM, Ủy ban Xã hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 7, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội - Quốc hội khoá XV Nguyễn Thuý Anh.

Về phía Bộ LĐ-TB&XH có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan,… 

Cùng dự có đại diện Bộ Y tế; đại diện Bộ VH-TT&DL; Tổng LĐLĐ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam;….

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội - Quốc hội khoá XV Nguyễn Thuý Anh chủ trì phiên họp.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội - Quốc hội khoá XV Nguyễn Thuý Anh chủ trì phiên họp.

Trong phiên họp ngày 29/9, Ủy ban Xã Hội - Quốc Hội khóa XV đã thực hiện thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 thuộc lĩnh vực LĐ-TB&XH; việc thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đối với lĩnh vực LĐ-TB&XH.

Tham dự và giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ và chỉ tiêu 9 tháng năm 2022. Những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ tham mưu cho Chính phủ cơ bản hoàn thành tốt.

"Nhiều nhiệm vụ về phát triển thị trường lao động đã hoàn thành trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do chịu tác động rất lớn từ thế giới. Nhiều mục tiêu chúng ta đạt được bằng nỗ lực tinh thần, ý chí kiên cường", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho rằng, năm 2021, Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH rất lo thị trường lao động bị xáo trộn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy vậy, đến nay thị trường lao động đã tương đối ổn định, không bị đứt gãy nguồn cung ứng lao động, lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hiện có lượng lao động dồi dào, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Hải Long).

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Hải Long).

Theo Bộ trưởng, các chính sách hỗ trợ người có công cơ bản đã ổn định. Hiện nay, ngoài tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ người có công, Bộ sẽ tập trung phát triển thị trường lao động, đào tạo nghề, đào tạo lao động chất lượng cao.

"Thời gian qua, hơn 86 nghìn tỷ đồng đã được giải ngân đến tay 56 triệu lượt người lao động từ các chính sách an sinh. Nghị quyết 116/NQ-CP, Nghị quyết 68 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động đã triển khai rất thành công. Quyết định 08 về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã giải ngân 3.600 tỷ đồng hỗ trợ 5,4 triệu lượt lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ từng bước cân đối lực lượng lao động trong nước và đi nước ngoài theo hướng có lợi nhất cho người lao động. Bộ sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đưa đi nước ngoài làm việc để học tập kinh nghiệm, sau này trở về phục vụ đất nước.

Tại phiên họp, sau khi nghe các ý kiến về lao động việc làm, BHTN,…Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các cục, vụ chuyên môn thuộc Bộ trực tiếp thông tin cụ thể và trao đổi chi tiết để giải đáp từng vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Phiên họp toàn thể lần thứ 7 do Ủy ban Xã hội tổ chức tại TP.HCM diễn ra trong 3 ngày (28 - 30/9).

Phiên họp toàn thể lần thứ 7 do Ủy ban Xã hội tổ chức tại TP.HCM diễn ra trong 3 ngày (28 - 30/9).

Qua giải trình của Bộ trưởng và giải đáp của các cục, vụ thuộc Bộ, các đại biểu đánh giá cao Bộ LĐ-TB&XH trong tác xây dựng, tham mưu các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là những chính sách thiết thực kịp thời hỗ trợ người dân trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát; đưa người lao động đi làm việc có hợp đồng lao động ở nước ngoài.

Tại phiên họp vẫn còn một số ý kiến đề nghị Bộ LĐ-TB&XH thông tin rõ hơn về lĩnh vực lao động việc làm, BHTN và hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời cần có những dự báo về cung - cầu lao động, việc làm giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2025 - 2030.

Kết thúc phiên họp ngày 29/9, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội - Quốc hội khoá XV Nguyễn Thuý Anh ghi nhận và đồng tình với giải trình và những giải đáp của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nêu rõ, với chương trình làm việc từ ngày 28-30/9, Ủy ban Xã hội sẽ cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Đây là hai dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật vào tháng 8 và tháng 9 vừa qua. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các thành viên Ủy ban tại phiên họp này, các dự thảo Luật sẽ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp tới.

Ủy ban Xã hội cũng thẩm tra 5 Báo cáo của Chính phủ về: Việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2021; việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về nội dung phòng, chống Covid-19; việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2021; việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững từ tháng 7/2021 đến nay.