Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Kon Tum, Đắk Lắk: Nông dân hối hả gặt lúa chạy lũ

(Dân sinh) - Do ảnh hưởng của bão số 5, mưa kéo dài đã gây thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, các công trình hạ tầng bị sạt lở chia cắt vùng dân cư tại nhiều địa phương của tỉnh kon Tum. Bà con nông dân tại Đắk Lắk vội vàng thu hoạch lúa chạy mùa chạy lũ.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 5, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền cấp cơ sở chủ động phòng, chống, ứng phó với hoàn lưu của bão số 5.

Dự báo trong 24 giờ tới, trên địa bàn tỉnh Kon Tum tiếp tục có mưa to đến rất to, lượng mưa có thể từ 70 -130 mm, ngày 12/9, nước lũ gây ngập lụt ở các vùng trũng thấp thuộc các huyện Đắk Tô, Đắk Hà, Kon Rẫy, Đắk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông và thành phố Kon Tum. Độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt ở cấp độ 1.

Kon Tum mưa lũ lớn, Đắk Lắk hối hả gặt lúa chạy lũ - Ảnh 1.

Sơ tán các hộ dân nằm trong vùng sạt lở huyện Đắk Hà

Tại Quốc lộ 24 tại Km153+170 đoạn qua thôn Đăk Jri, ngầm tràn qua suối Đăk Ơ Nglăng ở xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) ngập 10 - 20cm. Đường tỉnh lộ ĐH22 đoạn từ thôn 3 đi thôn 4 (xã Đăk Pne) bị sạt lở taluy dương và đường đi khu sản xuất Đăk Nâm bị ngập, cầu tràn từ thôn 2 đi thôn 5 (thị trấn Đăk Rve) nước dâng cao làm chia cắt giao thông.

Tại huyện Đăk Hà, dòng nước xoáy ở suối Đăk Tía khiến mái bảo vệ taluy âm của đường bị sụt lún, ảnh hưởng đến mố cầu của đường liên thôn Kon Kơ Rốk đi thôn Kon Hơ Drế (xã Ngọk Réo). Thủy điện Đức Nhân xả lũ làm nước đầu nguồn về nhiều gây ngập cầu Đăk Wek (xã Đăk Pxi) và có nguy cơ ngập nhà ở của các hộ dân. Hiện chính quyền xã Đăk Pxi đã sơ tán 15 hộ dân thuộc thôn Đăk Rơ Wang.

Thống kê ban đầu tại huyện Đăk Tô có khoảng 20 ha diện tích lúa nước, hoa màu và cây công nghiệp ven sông Đăk Tờ Kan, sông Đăk Pô Kô qua địa phận xã Đăk Trăm, Văn Lem, thị trấn Đăk Tô bị ngập.

Tại huyện Tu Mơ Rông, mưa lớn đã làm ngập cầu tràn thôn Năng Nhỏ 1 trên Tỉnh lộ 678 và cầu Kạch Nhỏ đi qua thôn Năng Nhỏ 2 (xã Đăk Sao), khiến các phương tiện không thể lưu thông. Một chiếc cầu liên thôn ở xã Đăk Sao cũng bị nước cuốn trôi. Lực lượng chức năng đã lập rào chắn, thông báo cho người dân không được lưu thông, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Đối với tỉnh Đắk Lắk: Mưa nhiều ngày liên tục, cộng với ảnh hưởng của bão số 5, hàng trăm ha lúa trên địa bàn huyện Lắk bị ngập chìm trong nước. Hai ngày qua, bà con nông dân phải hối hả gặt lúa chạy lũ, với hy vọng vớt vát được công sức của cả vụ mùa.

Ghi nhận tại các cánh đồng trên địa bàn xã Đắk Liêng - địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất huyện, người dân đang phải ngâm mình trong biển nước cố gắng vớt vát đưa lúa về nhà. 12 giờ trưa, tại cánh đồng buôn Bàng, hộ anh Y Dhăm Bđáp phải dùng thuyền nhỏ đẩy từng bó lúa lên bờ trước khi vận chuyển về nhà.

Tại xã Buôn Tría, do lũ đến bất ngờ nên phần lớn diện tích ruộng nằm sát bờ sông đều bị ngập sâu. Dù trắng đêm dầm mình dưới ruộng để gặt chạy lũ nhưng số hộ mang được lúa về chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Mến (trú tại thôn Đông Giang 2, xã Buôn Tría) có 6 sào lúa vụ hè thu sắp đến kỳ thu hoạch, nhưng lũ bất ngờ tràn về khiến toàn bộ ruộng lúa bị ngập. 

Kon Tum mưa lũ lớn, Đắk Lắk hối hả gặt lúa chạy lũ - Ảnh 2.

Cánh đồng buôn Bàng, xã Đắk Liêng bị ngập sâu, nhiều hộ dân phải dùng thuyền, tấm bạt để vận chuyển lúa từ ruộng lên bờ (Ảnh Báo Đắk Lắk)

Ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lắk cho biết, từ ngày 7/9 đến nay trên địa bàn huyện có mưa vừa đến mưa to, cộng với ảnh hưởng của cơn bão số 5 nên diện tích ngập lụt khoảng 230 ha. Trong đó, xã Đắk Liêng khoảng 130 héc ta, Buôn Tría 50ha và Buôn Triết 50ha.  Phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành công văn về việc tuyên truyền cho bà con thực hiện phương châm "xanh nhà hơn già đồng", khuyến cáo đẩy nhanh việc thu hoạch lúa ở những vùng thấp trũng, thường xuyên bị ngập lụt khi xảy ra mưa lớn.

Trong sáng 11/9, sau khi nhận thông tin về diện tích lúa ngập lụt ở các địa bàn, UBND huyện đã thành lập Tổ kiểm tra, phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục cập nhật diện tích thiệt hại, nhằm hỗ trợ các hộ dân trồng lúa bị ảnh hưởng theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ngày 9/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.