Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ký kết đưa lao động sang châu Âu làm việc và thí điểm đào tạo nghề qua thực tế ảo

Không chỉ ký kết với đối tác để cung ứng lao động Việt Nam sang làm việc tại các thị trường châu Âu, một đơn vị tại Huế còn hợp tác trong việc thí điểm triển khai đào tạo nghề hàn qua ứng dụng thực tế ảo cho các học viên để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Trung tâm Đào tạo ngoại Ngữ và Giáo dục định hướng Huế ký kết biên bản hợp tác tuyển dụng, đưa lao động sang làm việc tại châu Âu với đối tác

Trung tâm Đào tạo ngoại Ngữ và Giáo dục định hướng Huế ký kết biên bản hợp tác tuyển dụng, đưa lao động sang làm việc tại châu Âu với đối tác

Ngày 5/5, Trung tâm Đào tạo ngoại Ngữ và Giáo dục định hướng (Intrase Huế) thuộc Công ty Quinn Hà Nội đã tổ chức lễ ký kết hợp tác với Tập đoàn EU Workers (Ba Lan) về việc cung ứng lao động tại khu vực miền Trung Việt Nam sang làm việc trong các công ty, tập đoàn tại Pháp, Ba Lan, Đức, Rumania và các nước châu Âu.

Theo ông Lê Trung Lâm - Giám đốc Intrase Huế, đơn vị sẽ tổ chức tuyển dụng lao động người Việt Nam để đưa sang làm việc tại thị trường châu Âu thông qua sự tiếp nhận của Tập đoàn EU Workers. Các ngành nghề chủ yếu, như: hàn xì, sơn kim loại, công nghiệp ô tô, xây dựng, nông nghiệp,...

Theo biên bản được ký kết, đơn vị phía Việt Nam sẽ tuyển dụng, đào tạo cơ bản cho các đối tượng lao động trong độ tuổi từ 20 - 40 tuổi, có nhu cầu tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động tại thị trường châu Âu. Người lao động muốn tham gia chương trình phải bảo đảm điều kiện sức khoẻ làm việc tại châu Âu theo giấy chứng nhận sức khoẻ của các bệnh viện đạt chuẩn cho phép khám sức khoẻ người đi xuất khẩu lao động.

Đại diện Tập đoàn EU Workers (Ba Lan) giới thiệu về ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong đào tạo nghề hàn xì

Đại diện Tập đoàn EU Workers (Ba Lan) giới thiệu về ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong đào tạo nghề hàn xì

Song song với lễ ký kết, đại diện Tập đoàn EU Workers (Ba Lan) cũng đã giới thiệu đến lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Intrase Huế về ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong đào tạo nghề hàn xì. Hai bên đã đi đến thống nhất triển khai thử nghiệm ứng dụng này để đào tạo cho học viên tại Intrase Huế, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động châu Âu về kỹ năng tay nghề người lao động.

Ông Radek Gatka - CEO Dig in Vision và Tập đoàn EU Workers cho biết, ứng dụng này được công ty phối hợp với 1 trường cao đẳng kỹ thuật của Ba Lan phát triển từ năm 2015. Đó là một trình giả lập độc đáo cho phép tái tạo môi trường xưởng hàn trong thực tế ảo. Công nghệ này là một bước đột phá cho ngành đào tạo hàn và có thể được sử dụng trên toàn thế giới, sử dụng các thiết bị có thể truy cập toàn cầu nằm gọn trong một hộp đựng tiện dụng.

Ông Radek Gatka cho biết, ứng dụng này hiện đã được áp dựng thực tế tại rất nhiều nước châu Âu và một số nước châu Phi và công ty mong muốn cung cấp đến thị trường Việt Nam. Việc áp dụng công nghệ này sẽ giúp đơn vị đào tạo nghệ tiết kiệm chi phí vận hành trang thiết bị và loại bỏ nguyên liệu thô khỏi quy trình tuyển dụng và đào tạo. Bên cạnh đó, công nghệ cũng bảo đảm yếu tố an toàn, tính cơ động cao, giảm lượng khí thải carbon trong quá trình đào tạo. Đặc biệt, công nghệ thực tế ảo này giúp tăng hiệu quả học hàn của học viên nhờ số lượng thử nghiệm không giới hạn và mô tả trung thực về nghề.

Thiết bị dạy nghề nói trên hiện có 4 cấp độ hàn khác nhau, từ cơ bản đến nâng cao, qua đó giúp người học dễ dàng nâng cao kỹ năng tay nghề. Học viên được thực hành các kỹ thuật hàn trong một môi trường an toàn và được kiểm soát, phù hợp với nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Sau khi hoàn thành khoá đào tạo, học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề và với việc nhiều nước châu Âu đã áp dụng, công nhận thì người lao động có thể dễ dàng tìm được việc làm đúng với ngành nghề đã học.

Học viên trải nghiệm thực tế ảo trong đào tạo nghề hàn xì

Học viên trải nghiệm thực tế ảo trong đào tạo nghề hàn xì

Ông Đặng Hữu Phúc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc ký kết hợp tác giữa Trung tâm Intrase Huế với Tập đoàn EU Workers (Ba Lan) là bước đi đúng đắn, bám sát chủ trương của Trung ương và của tỉnh về công tác đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động nhằm phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hàng năm, Thừa Thiên Huế phấn đấu đưa 2.000 - 2.500 người đi xuất khẩu lao động tại các thị trường ổn định, có thu nhập cao.

Với thiết bị dạy nghề hàn theo thực tế ảo, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế hoan nghênh và mong muốn giới thiệu rộng rãi đến hệ thống mạng cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bởi vì, Huế hiện nay rất ưu tiên đầu tư vào những thiết bị dạy học hiện đại đáp ứng những ngành nghề mới, kỹ năng mới.