Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Làn sóng “mỗi gia đình là một xưởng sản xuất bánh Trung thu”

Bánh Trung thu - mỗi mùa chạy theo một “mốt”, làn sóng “mỗi gia đình là một xưởng sản xuất bánh Trung thu” ấy nó bắt nguồn từ mạng xã hội. Ăn theo xu thế, nói theo xu thế và hành động theo xu thế… đang là mục đích theo đuổi của rất nhiều người, kiểu đua nhau cho có chuyện để vui được một lúc.

Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là Trung thu, phố Hàng Mã đã dập dìu trẻ con, người lớn đi chơi. Mấy cửa hàng bánh Trung thu nổi tiếng ở Hà Nội cũng đã chật kín khách, như thể Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu chẳng hề ảnh hưởng đến thị trường bánh theo mùa trăng này. Tuy nhiên, nếu mà xếp hàng để mua cho gia đình ăn thì đi một nhẽ, đằng này có mấy ai mua ăn đâu, chủ yếu là đi biếu...

Làn sóng “mỗi gia đình là một xưởng sản xuất bánh Trung thu”  - Ảnh 1.

Chuyện nửa đùa nửa thật, kể về một hộp bánh Trung thu được truyền tay nhau đi biếu quanh thành phố, rồi lại trở về đúng với chủ nhân đầu tiên. Bây giờ, bánh Trung thu bán quanh năm. Thậm chí đón Giao thừa mà muốn vừa ăn bánh Trung thu vừa ngắm pháo hoa cũng có luôn. Tức là, cái chuyện chờ 1 năm để ăn miếng bánh vào đúng thời khắc trăng tròn nó không còn thiêng liêng nữa.

Ngày nay chuyện ăn đã được tối giản, mà chuyện “bày vẽ” quanh cái bánh thì rất nhiều. Như cuộc đời vẫn thế, phụ nữ hay nói đúng hơn là các bà nội trợ là “nguồn cơn” gây nên những làn sóng “mỗi gia đình là một xưởng sản xuất bánh Trung thu sạch” mà người ta vẫn quen gọi là handmade hay là organic. Nói nôm na là bánh nhà làm siêu sạch. 

Làn sóng “mỗi gia đình là một xưởng sản xuất bánh Trung thu”  - Ảnh 2.

Làm được cái bánh, mướt mải mồ hôi, bột vương vãi từ bếp ra đến phòng khách. Tới lúc thưởng thức thì bánh cắt ra nhân rơi lả tả, mỡ đi một nơi, mứt bí đi một nẻo. Thiếu đường thì không đứng bánh, thừa đường thì vừa ngọt, vừa cứng. Chạy quanh nhà hỏi con, hỏi chồng: “Ăn thử đi. Ngon không…? Ngon không…?”. Người được ăn thử (hay đúng hơn là bị ăn thử) thì vừa nhai vừa trợn mắt tấm tắc: “Ngon lắm… ngon lắm… nhưng từ sau đừng làm nữa nhé…”.

Lò nướng hoạt động hết công suất suốt cả tháng chuẩn bị Trung thu. Bánh handmade đi cho nó mới quý. “Ôi tự tay em làm đấy…, em biếu chị…, biếu anh”. Tự làm quà để tặng, để biếu bao giờ tình cảm nó cũng chân thành hơn, nhưng nhiều khi chất lượng lại là một thứ vô cùng phản chủ. Rất khổ thân cho người được tặng nếu hôm sau bị cái đứa hồn nhiên kia vớ được và hỏi: “Bánh ngon không bác?”.

Năm nay, xu hướng của các bà nội trợ vẫn cứ lại bánh Trung thu handmade, nhưng là bánh ăn kiêng theo chế độ “keto” và “eat clean”. Tức là chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả, gạo lứt và các loại hạt, không tinh bột, không đường. Theo các tài liệu về ăn kiêng, nhất là để giảm cân, thì bánh Trung thu thực sự là “kẻ thù” cần phải tránh xa vì nó chứa một hàm lượng calo rất cao.

 Ăn một miếng bánh xong thì cần chạy bộ đến 20-30km mới tiêu hao hết được năng lượng. Chính vì thế mới sinh ra bánh Trung thu cho người ăn kiêng, không chứa chất béo mà vẫn kiểm soát được vóc dáng.Bánh Trung thu “eat clean” được làm với công thức gồm lúa mỳ nguyên cám và yến mạch theo tỷ lệ 1-1. Nhân gồm các loại hạt như hạnh nhân, điều, vừng, hạt dưa, hạt bí, lạc, chuối khô, nho khô, việt quất, hạt chia… cùng sữa tươi không đường, mật ong, bơ lạc, lòng đỏ trứng và rượu Mai Quế Lộ. Khác với bánh Trung thu “eat clean”, bánh “keto” lại là một trường phái ăn kiêng đốt mỡ khác.

Chính vì thế, bánh Trung thu “keto” có mỡ, có lạp xường, hạnh nhân, hạt bí, vừng, lá chanh, hạt điều… Nguyên liệu vỏ bánh là bột hạnh nhân, nước đường dành cho người ăn kiêng, dầu ăn và trứng. Chiếc bánh thành phẩm đương nhiên trông rất giống bánh thường, nhưng chất lượng thì khác xa một trời một vực.