Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Lúng túng trong chỉ đạo xử lý nhiều vụ ô nhiễm môi trường

Chi ngân sách cho bảo vệ môi trường chưa đạt kế hoạch, nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường chậm được xử lý… đó là những vấn đề được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách năm 2019; dự kiến nhiệm vụ, ngân sách năm 2020 trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Ô nhiễm không khí tại các đô thị diễn biến phức tạp

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, 9 tháng năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đatổ chức thanh tra 210 cơ sở trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố, xử phạt vi phạm hành chính 14 cơ sở, tổng số tiền 4,9 tỷ đồng. Đến nay đã có 289/435 cơ sở có tên theo Quyết định số 1788 của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đã hoàn thành triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 66,43%; 146 cơ sở đang thực hiện các biện pháp xử lý triệt để.

Năm 2019, ngành tài nguyên và môi trường cũng đã xử lý hơn 60 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật, phát hiện mới và kiểm soát chặt chẽ hơn 400 khu vực môi trường bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học tại các điểm nóng về ô nhiễm như sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, mặc dù nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường năm 2019 còn một số vấn đề bất cập. Cụ thể, còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để. Nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn, trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu, hầu hết chưa qua xử lý, xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư. Lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng mạnh, nhưng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều yếu kém, hầu hết chưa được phân loại tại nguồn. Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm. Chỉ số chất lượng không khí có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, nguy hại tới sức khỏe người dân.

Lúng túng trong chỉ đạo xử lý nhiều vụ ô nhiễm môi trường - Ảnh 1.

Vụ cháy Công ty Rạng Đông đã cho thấy sự lúng túng trong chỉ đạo xử lý của cơ quan chức năng

Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách nhà nước bảo vệ môi trường năm 2019; phương hướng nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm 2020 của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho nhấn mạnh, mặc dù mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường có xu hướng chậm lại, các vùng đất bị ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật và các điểm nóng, bức xúc về môi trường tiếp tục được Chính phủ quan tâm, đầu tư xử lý khắc phục, tuy nhiên, nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường tích tụ vẫn chậm được giải quyết triệt để, chưa bảo đảm kế hoạch đề ra. Trong năm 2019 tiếp tục phát sinh những vấn đề ô nhiễm môi trường gây bức xúc dư luận ở một số địa phương, trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước về môi trường còn lúng túng trong việc giải quyết. …

Trong khi đó, số ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường trung ương chưa phân bổ còn lớn (1.138,078 tỷ đồng) chiếm 49,7%; việc phân bổ, sử dụng ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường cho Bộ, ngành Trung ương vẫn còn tình trạng dàn dải, chưa tập trung. Đặc biệt, còn 13 địa phương bố trí kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường thấp hơn số giao của Bộ Tài chính, tình trạng này gia tăng hơn so với năm 2018 (7 địa phương).

Tại sao không dùng hết ngân sách cho bảo vệ môi trường?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho rằng, đối với những vấn đề ô nhiễm môi trường đang nổi lên gây bức xúc trong xã hội, như vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, ô nhiễm không khí tại đô thị lớn cơ quan chức năng vẫn chậm và lúng túng trong chỉ đạo xử lý.

Một số ý kiến đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan liên quan trong việc chậm trễ xử lý tình trạng ô nhiễm hệ thống sống Nhuệ, sông Đáy. Đại biểu đề nghị cần tăng cường năng lực quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương;  có cơ chế, chính sách tăng cường nhân lực cho ngành tài nguyên và môi trường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mức độ gia tăng nhanh về quy mô, diễn biến ngày càng phức tạp về môi trường.

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau), yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ nguyên nhân vì sao chủ trương phân loại rác thải từ nguồn đã triển khai nhiều năm nay không đạt kết quả như mong muốn? Đại biểu nêu ví dụ về cuộc chiến chống rác thải nhựa ở nhiều địa phương thời gian qua chủ yếu vẫn làm theo phong trào, hô hào, khẩu hiệu chung chung, mà chưa có chiến lược, kế hoạch cụ thể. Ông Thái Trường Giang cũng đề Bộ Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ những vướng mắc trong thực hiện ngân sách nhà nước trong bảo vệ môi trường, tại sao không sử dụng hết 1% ngân sách nhà nước dành cho công tác này.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Nghị quyết Trung ương nêu rõ dành tối thiểu 1% tổng chi ngân sách nhà nước để chi cho bảo vệ môi trường. Trên thực tế thời gian qua, Chính phủ đã dành trên 1% ngân sách cho bảo vệ môi trường, tuy nhiên việc giải ngân nguồn vốn này trong mấy năm qua không đạt kế hoạch, khiến hiệu quả đầu tư cho bảo vệ môi trường chưa cao.