Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Miễn dịch tự nhiên ở các F0 khỏi bệnh có thể tồn tại đến 20 tháng

Công trình dẫn đầu bởi tiến sĩ Otto Yang, nhà miễn dịch học tại Đại học California ở Los Angeles - Mỹ và Trường Y khoa David Gefen, cho hay miễn dịch tự nhiên ở các F0 khỏi bệnh có thể tồn tại tối đa đến 20 tháng.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Nghiên cứu mới từ Mỹ đã xác định khoảng thời gian tối đa mà kháng thể tự nhiên được duy trì trong cơ thể sau khi khỏi COVID-19 và đó sẽ là một dạng khác với kiểu miễn dịch có được nhờ vaccine.

Theo báo Người Lao động, công trình dẫn đầu bởi tiến sĩ Otto Yang, nhà miễn dịch học tại Đại học California ở Los Angeles - Mỹ và Trường Y khoa David Gefen, cho hay miễn dịch tự nhiên ở các F0 khỏi bệnh có thể tồn tại tối đa đến 20 tháng.

Nghiên cứu của tiến sĩ Yang và các cộng sự đã đo kháng thể trong máu 816 người Mỹ chưa từng được tiêm chủng nhưng đã mắc và khỏi bệnh. Họ đã tìm thấy kháng thể trong 99% những người từng có kết quả xét nghiệm dương tính.

Nghiên cứu vừa công bố trên JAMA (Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ) cho hay, các kháng thể này giảm dần theo thời gian song vẫn tồn tại khá lâu với đa số người. Một số nghiên cứu khác từng chứng minh trong vòng 6 tháng sau khỏi bệnh, kháng thể trong cơ thể vẫn rất tốt và giúp giảm mạnh nguy cơ mắc bệnh.

Theo tiến sĩ Len Horovitz từ Bệnh viện Lenox Hill (New York - Mỹ), khả năng chống lại COVID-19 ở người đã mắc và khỏi bệnh còn tồn tại dưới dạng miễn dịch tế bào, khác với kháng thể tạo ra do tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tiến sĩ Horovitz nhấn mạnh, tất cả hình thức miễn dịch này có được do từng mắc bệnh hoặc tiêm chủng chắc chắn không bảo vệ bạn hoàn toàn và vĩnh viễn khỏi căn bệnh. An toàn hơn người chưa bệnh không đồng nghĩa với an toàn tuyệt đối. Khả năng miễn dịch ở F0 khỏi bệnh giảm dần theo thời gian, đồng nghĩa khả năng tái nhiễm cũng tăng dần theo thời gian. 

Do vậy, tốt nhất là chúng ta sở hữu cả 2 kiểu miễn dịch. Ngoài ra, tiêm chủng khi chưa từng bệnh hoặc khi chưa biết mình có từng bệnh hay không đã được chứng minh lợi ích quá rõ ràng khắp thế giới, trong đó quan trọng nhất là giảm mạnh khả năng bệnh nặng và tử vong.

Trước diễn biến dịch bệnh, theo báo Nhân dân, hiện nhiều nước triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

Nhật Bản đang tích cực chuẩn bị để triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hơn 7,1 triệu trẻ em trong độ tuổi này vào đầu tháng 3/2022.

Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan kêu gọi các cơ quan y tế đẩy nhanh việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, trong bối cảnh dịch tiếp tục lây lan ở trẻ em và tỷ lệ tiêm chủng trong nhóm này vẫn rất thấp.

Tại Hàn Quốc, Tổng thống nước này cũng đề nghị các bệnh viện hỗ trợ chính phủ phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh chóng khiến số ca mắc mới trong một ngày lập mốc cao kỷ lục. Hàn Quốc đã kích hoạt hệ thống phản ứng dịch bệnh mới, trong đó có việc tăng cường xét nghiệm kháng nguyên nhanh sàng lọc COVID-19 và rút ngắn thời gian tự cách ly, tập trung giảm các ca mắc nặng và tử vong.

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ thông báo, nhà chức trách nước này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine đơn liều Sputnik Light của Nga. Giấy phép được cấp dựa trên cơ sở dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 của Sputnik Light ở Nga, cùng với dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở Nga và một số quốc gia khác. Vaccine này có thể được sử dụng làm liều tăng cường chống COVID-19 cho các nhóm dân số đủ điều kiện.