Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mua ô tô camry gặp trục trặc hay chiếm giữ xe?

(Dân sinh) - Thỏa thuận mua chiếc ôtô trị giá 940 triệu đồng, khách đặt cọc 250 triệu đồng và cầm xe "một đi không trở lại". Chủ xe tự mình truy vết, nài nỉ trả nợ nhưng khách và chủ vẫn bế tắc. Chủ xe camry đành gửi đơn khắp nơi cầu cứu cơ quan Công an.

Theo đơn của ông Bùi Hoàng Anh (ở ấp Hội Thạnh, xã Trung An, H.Củ Chi) gửi Báo Lao động & Xã hội, ông là chủ sở hữu chiếc ôtô Toyota Camry màu nâu vàng BKS: 51G-433.64. Chiếc xe này hiện vẫn được ông thế chấp giấy tờ trong ngân hàng Quốc tế VIB với số tiền 600 triệu đồng.

Do gặp khó khăn tiền bạc, ông Anh thỏa thuận bán xe trên cho ông Nguyễn Khắc Tuấn (ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Theo đó, ông Anh đồng ý bán xe với giá 940 triệu đồng, ông Tuấn đã chuyển cọc trước 250 triệu đồng vào ngân hàng Sacombank cho ông Anh. Hai bên thỏa thuận cùng nhau đến ngân hàng trả hết số nợ (600 triệu đồng còn lại) thì ông Anh rút hồ sơ xe ra làm thủ tục sang tên cho ông Tuấn. Tuy nhiên, sự việc không suôn sẻ xảy ra sau đó.

Mua ô tô camry gặp trục trặc hay chiếm giữ xe? - Ảnh 1.

Chiếc xe hiệu Camry của ông Bùi Hoàng Anh được thế chấp trong ngân hàng

"Sau khi đặt cọc lúc 13h30 ngày 28/10/2019 tôi giao xe cho ông Tuấn chở đi rút tiền, khi đến nghĩa trang liệt sĩ An Nhơn Tây thì ông Tuấn bảo tôi xuống để chiều sẽ chuyển khoản. Tôi xuống xe thì ông Tuấn phóng xe đi. Sau đó, tôi nhiều lần gọi cho ông Tuấn nhưng không nghe máy mà nhắn tin lại là hôm sau sẽ trả tiền. Theo dõi định vị, tôi thấy xe di chuyển qua nhiều tỉnh như: Đồng Nai, Đắk Lắk, Đà Lạt, Vũng Tàu".

Nhiều ngày theo dõi, lúc 21 giờ ngày 27/11/2019, ông Anh chặn được xe Camry của mình trên đường D2 quận Bình Thạnh, yêu cầu ông Tuấn trả lại xe và ông hoàn lại số tiền cọc 250 triệu đồng. Thế nhưng, sau một hồi nói chuyện, ông Tuấn nhảy lên xe chạy về hướng TP.Biên Hòa.

Sau đó, ông Anh nhiều lần cố liên lạc với ông Tuấn không có kết quả đã làm đơn gửi cơ quan chức năng. Cho rằng đây là tranh chấp dân sự nên đơn của ông không được thụ lý giải quyết.

Gần đây nhất (5/5/2020), Cơ quan cảnh sát điều tra công an TP.HCM đã có giấy triệu tập (lần thứ 5) đối với ông Nguyễn Khắc Tuấn để làm rõ việc ông Bùi Hoàng Anh tố cáo ông Nguyễn Khắc Tuấn có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Để thông tin được đa chiều PV đã trao đổi với ông Nguyễn Khắc Tuấn thì ông này lại có ý kiến khác: Ông Tuấn thừa nhận có mua chiếc ôtô của ông Bùi Hoàng Anh bằng giấy tay, nhưng đến nay việc mua bán vẫn chưa hoàn tất, chủ xe chưa bàn giao giấy tờ theo xe. Về việc ông Anh tố cáo rằng ông mua xe chưa bàn giao đầy đủ tiền đã chiếm giữ xe trái phép thì ông này cho biết thông tin đó chưa chính xác. Lý do là khi mua xe, 2 bên nhất trí giá mua bán là 940 triệu đồng, ông Tuấn cọc trước 250 triệu đồng, còn lại 690 triệu đồng trả cho ngân hàng VIB. Tuy nhiên khi đến làm việc với ngân hàng thì phát hiện ông Anh còn nợ nhiều hơn số tiền ông Tuấn phải trả như thỏa thuận nên ông Tuấn không đồng ý thanh toán số tiền nợ phát sinh. Thương vụ mua bán bế tắc, ông Anh đeo đuổi hành trình đòi xe của mình. 

Về vụ việc này, ông Anh cho rằng ông Tuấn cố tình lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt xe của ông: "Hiện ông Tuấn đang cất giữ và sử dụng chiếc xe của tôi tại Biên Hòa". Còn ông Tuấn nói muốn lấy xe phải trả cọc lại, nhưng bên bán chưa trả tiền nên phải giữ vật đảm bảo.

Theo Luật sư Thái Văn Chung (Đoàn Luật sư TPHCM) thực chất thì chỉ 2 bên hiểu rõ nhất, nhưng nếu sự việc đúng như ông Hoàng Anh trình bày thì: "Theo điểm a, khoản 1 điều 175, Bộ luật Hình sự 2015, người nào vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác từ (4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng) bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm".