Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mừng và lo...

(Dân sinh) - Tính đến mùng Mười Tết, 96% lao động ở các nhà máy, doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh đã quay trở lại, tiếp tục làm việc. Ở các tỉnh lân cận thuộc vùng kinh tế trọng điểm như Đồng Nai, Bình Dương, số người lao động (NLĐ) trở lại sau thời gian về quê ăn Tết trong cùng thời điểm cũng đạt 90-95%.

Như vậy, nỗi lo "chảy máu nhân lực" sau mùa Tết đã không còn ám ảnh các doanh nghiệp. Theo nhận xét của một số chuyên gia thị trường lao động, thậm chí năm nay, NLĐ còn trở lại sớm hơn và đông hơn so với những năm trước. Trong thời gian tới, nếu không có những biến động bất thường thì dòng dịch chuyển lao động từ các vùng quê đổ về các khu vực kinh tế trọng điểm vẫn tiếp diễn. Đó là điều kiện rất thuận lợi để hệ thống doanh nghiệp - nhất là doanh nghiệp sản xuất có thể đẩy nhanh tiến trình phục hồi và tái cơ cấu sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Nhưng việc đông đảo NLĐ đang có xu hướng đổ về các khu vực kinh tế phát triển - nhất là vùng đồng bằng Bắc bộ và Đông Nam bộ lại đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cần giải quyết.

Ngay sau khi xảy ra các đợt NLĐ "tháo chạy" khỏi các trung tâm công nghiệp phía Nam giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, các chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt vấn đề phải giải quyết để có thể giữ chân NLĐ một cách bền vững.

Trước hết là chăm lo cho họ đúng mức về chỗ ở. Từ trước tới giờ, mặc dù đã không ít lần các cơ quan chức năng đặt vấn đề về đầu tư xây dựng nhà giá rẻ (bao gồm xây để bán, cho thuê, thuê - mua với cơ chế tài chính linh hoạt...) nhưng trên thực tế, vấn đề chỗ ở cho NLĐ ở các khu vực công nghiệp phát triển vẫn chủ yếu phụ thuộc vào hình thức thuê trọ tự phát. Đại đa số NLĐ vẫn phải sống trong những khu nhà trọ của các chủ trọ tư nhân xây dựng, chật chội ẩm thấp, không đảm bảo cả về sức khỏe lẫn an ninh trật tự.

Một vấn đề nữa là điều kiện học tập của con em NLĐ. Mới tháng trước, chỉ riêng tại TP. Hồ Chí Minh, hàng chục nghìn học sinh đã rút hồ sơ để chuyển về các trường ở quê. Điều này cho thấy, thực tế có rất nhiều NLĐ chấp nhận rời xa con cái để có thể "rảnh chân rảnh tay" kiếm sống ở thành phố. Nhưng về lâu dài, thực trạng này cần được giải quyết một cách hài hòa. Một khi có được chỗ ở ổn định, chỗ học tập thuận lợi cho con em, NLĐ mới có thể an tâm để làm việc.

Vấn đề chăm sóc sức khỏe có ý nghĩa rất quan trọng khi dịch bệnh đã từng trở thành mối hiểm họa đe dọa mọi người và gần đây đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Một số NLĐ nhập cư cho biết, hệ thống y tế cơ sở nhiều địa phương thời gian qua không đủ sức để chăm sóc cho tất cả người dân - nhất là ở những khu vực có đông lao động nhập cư trú ngụ. Vì thế, cần có cơ chế đảm bảo NLĐ nhập cư được chăm sóc sức khỏe giống như người dân địa phương, đặc biệt là có hệ thống hỗ trợ kịp thời trong những trường hợp cấp thiết, như vậy NLĐ nhập cư mới có thể an tâm sinh sống và làm việc trong trạng thái "bình thường mới".